Quy định và quy trình về hoạt động nghiên cứu khoa học và đúc kết sáng kiến kinh nghiệm của Sở GD&ĐT Nghệ An

Thứ tư - 16/10/2013 08:38
Tháng 10/2012 Sở GD&ĐT Nghệ An ban hành Quy định và quy trình về hoạt động nghiên cứu khoa học và đúc kết sáng kiến kinh nghiệm áp dụng từ năm học 2012-2013
NHỮNG QUI ĐỊNH, QUI TRÌNH VIẾT SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM PDF. In Email
       Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và đúc kết sáng kiến kinh nghiệm của ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Số lượng, chất lượng sáng kiến kinh nghiệm tham gia xếp bậc cấp ngành ngày một tăng. Số công trình được trao giải tại Hội thi Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An chiếm tỷ lệ lớn so với số lượng công trình dự thi của toàn tỉnh.... Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được thì hoạt động này vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục.
      Để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và đúc kết sáng kiến kinh nghiệm trong năm học 2012 - 2013 và những năm tiếp theo, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An ban hành Quy định và quy trình về hoạt động nghiên cứu khoa học và đúc kết sáng kiến kinh nghiệm, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, ĐÚC KẾT SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
      Nghiên cứu khoa học và đúc kết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) giáo dục là kết quả lao động sáng tạo của cán bộ, giáo viên, có tác dụng thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học vào thực tiễn giáo dục và nâng cao chất lượng công tác quản lý, giảng dạy của cán bộ, giáo viên, học tập của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đồng thời nhằm góp phần xây dựng các điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu, xây dựng đội ngũ giáo viên nòng cốt cho ngành. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị coi trọng việc đúc kết, nâng cao chất lượng SKKN và phổ biến, áp dụng SKKN vào việc đổi mới công tác quản lý giáo dục và giảng dạy.
      Việc tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học cấp ngành, Sở sẽ có những hướng dẫn riêng, phù hợp với nội dung và cấp độ của công tác nghiên cứu cho từng tác giả và tập thể tác giả được tuyển chọn. Sau đây là những quy định và quy trình của hoạt động đúc kết SKKN. 
II. TỔ CHỨC, THỰC HIỆN
1. Nội dung SKKN:
          1.1. Quy định chung:
         Nội dung các SKKN cần căn cứ theo định hướng của văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học về công tác khoa học hàng năm của Sở. Tuy nhiên về cơ bản, vẫn tập trung vào những nhóm nội dung như: đổi mới công tác quản lý giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học các bộ môn và giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo, thực hiện xã hội hoá giáo dục; thực hiện đổi mới nội dung, chương trình và sách giáo khoa; triển khai các chủ đề lớn của ngành..., cụ thể như sau:
       - SKKN về triển khai thực hiện các chủ trương của ngành giáo dục và đào tạo; về công tác quản lý, chỉ đạo, triển khai các mặt hoạt động trong nhà trường.
      - SKKN về hoạt động tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên; về cải tiến nội dung bài giảng; đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, về việc triển khai, bồi dưỡng giáo viên thực hiện giảng dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới ở đơn vị, bồi dưỡng học sinh giỏi, nâng chất lượng đại trà, bồi dưỡng học sinh yếu kém.
      - SKKN trong thực hiện tổ chức hoạt động các phòng bộ môn, phòng thực hành, phòng thiết bị và đồ dùng dạy học, phòng thí nghiệm; về xây dựng các phong trào do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động; về xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động thư viện, thư viện điện tử; xây dựng cơ sở thực hành, thực tập.
     - SKKN trong tổ chức học 2 buổi/ngày; tổ chức bán trú trong nhà trường; về công tác chủ nhiệm lớp, hoạt động đoàn thể và công tác xây dựng Đảng; về đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức, cách thức quản lý các hoạt động tập thể trong và ngoài giờ lên lớp; về việc nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh.
     - SKKN về cải tiến và nâng cao hiệu quả của công tác thi đua-khen thưởng trong đơn vị.
     - SKKN trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là CNTT nhằm nâng cao chất lượng mọi lĩnh vực hoạt động trong các đơn vị; kinh nghiệm xây dựng các phần mềm tin học, giáo án điện tử, phương pháp sử dụng hiệu quả các đồ dùng dạy học và thiết bị dạy học hiện đại vào giảng dạy...
          1.2. Về cấu trúc SKKN
          Cấu trúc của một SKKN thông thường bao gồm 3 phần chính:
Phần I. Đặt vấn đề:
       - Nêu rõ bối cảnh dẫn tới sự cần thiết phải tiến hành đúc kết SKKN, cơ sở của vấn đề nghiên cứu (SKKN giáo dục nhằm giải quyết vấn đề gì?; được xuất phát từ yêu cầu thực tế giáo dục nào?; Vấn đề được giải quyết có phải là vấn đề cần thiết của ngành giáo dục và đào tạo hay không?).
      - Tổng quan những thông tin liên quan tới những vấn đề mà sáng kiến kinh nghiệm sẽ đề cập tới.
      - Khẳng định tính mới về khoa học của vấn đề trong điều kiện thực tế của ngành và của địa phương...
Phần II. Nội dung:
      - Nêu và đánh giá thực trạng của vấn đề.
      - Mô tả và giới thiệu các nội dung, biện pháp chính (các hoạt động thực hiện
SKKN giáo dục) như: thu thập thông tin, điều tra khảo sát, thử nghiệm thực tế, hội thảo, thực hiện một số tiết dạy để rút kinh nghiệm...
     - Những kết quả đạt được, những kinh nghiệm rút ra, những sản phẩm chính của SKKN.... Những kết quả đạt được phải được kiểm chứng bằng những công cụ bảo đảm tính khoa học.
     - Phương pháp thực hiện SKKN giáo dục để đạt được những kết quả nói trên. 
­     - Khả năng ứng dụng, triển khai kết quả của SKKN.
Phần III. Kết luận:
     - Kết quả của việc ứng dụng SKKN.
     - Những kết luận trong quá trình nghiên cứu, triển khai SKKN.
     - Những kiến nghị, đề xuất.
          2. Đánh giá, xếp bậc SKKN:
          Tổng điểm: 100 điểm, chi tiết như sau: 
2.1.Về nội dung: Đạt tối đa 90 điểm
2.1.1. Tính mới (tính sáng tạo): (20 điểm )
a. Yêu cầu: Đó là những vấn đề trước đó chưa có người nào đề cập tới hoặc có đề cập nhưng chưa đầy đủ; những cải tiến, những đề xuất mới đảm bảo tính khoa học hoặc ứng dụng sáng tạo và có hiệu quả những thành tựu khoa học - công nghệ mới; có luận điểm giáo dục mới hay phát hiện mới về tính hợp lý, hiệu quả của một giải pháp trong quá trình dạy học và quản lý giáo dục.
b. Các thang điểm chính:
- SKKN đạt đầy đủ những yêu cầu nêu trên: Cho 20 điểm
- SKKN có tính mới nhưng chỉ ở mức độ vừa phải: Cho từ 10 đến 15 điểm
- Các mức điểm còn lại do hội đồng xét SKKN các cấp căn cứ vào chất lượng từng SKKN cụ thể mà cho điểm. 
2.1.2. Tính khoa học: (20 điểm ):
a. Yêu cầu: SKKN phải được trình bày, lý giải một cách rõ ràng, mạch lạc, hệ thống. Vấn đề nghiên cứu phải phù hợp với những thành tựu khoa học giáo dục tiên tiến trong nước và thế giới, với các nguyên lý khoa học chuyên ngành; phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành.
b. Các thang điểm chính:
- SKKN đạt đầy đủ những yêu cầu nêu trên: Cho 20 điểm
- SKKN có tính khoa học nhưng phần lý giải chưa đầy đủ, sức thuyết phục chưa cao: Cho từ 10 đến 15 điểm
- Các mức điểm còn lại do hội đồng xét SKKN các cấp căn cứ vào chất lượng từng SKKN cụ thể mà cho điểm. 
2.1.3. Tính hiệu quả: (25 điểm )
a. Yêu cầu: SKKN nếu được áp dụng sẽ đem lại hiệu quả cao nhất, tiết kiệm nhất về thời gian và sức lực trong công tác dạy học, giáo dục và quản lý giáo dục; trong việc tiếp nhận tri thức khoa học, phát triển tư duy hay hình thành kỹ năng thực hành của học sinh.
b. Các thang điểm chính:
- SKKN đạt đầy đủ những yêu cầu nêu trên: Cho 25 điểm
- SKKN có hiệu quả nhưng chỉ ở mức độ vừa phải: Cho từ 15 đến 20 điểm
- Các mức điểm còn lại do hội đồng xét SKKN các cấp căn cứ vào chất lượng từng SKKN cụ thể mà cho điểm. 
2.1.4. Tính ứng dụng thực tiễn: (25 điểm )
a. Yêu cầu: Có khả năng ứng dụng thực tiễn, dễ hiểu và có thể ứng dụng một cách dễ dàng và đại trà trong toàn ngành giáo dục, được các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên khác vận dụng vào công việc của mình đạt kết quả cao.
b. Các thang điểm chính:
- SKKN đạt đầy đủ những yêu cầu nêu trên: Cho 25 điểm
- SKKN có tính mới nhưng chỉ áp dụng trong phạm vi vừa phải: Cho từ 15 đến 20 điểm
- Các mức điểm còn lại do hội đồng xét SKKN các cấp căn cứ vào chất lượng từng SKKN cụ thể mà cho điểm. 
2.2. Về hình thức: Đạt tối đa 10 điểm, 5 điểm cho mỗi mục.
a. Trình bày nội dung theo bố cục đã nêu ở mục 1.2, ngôn ngữ diễn đạt chính
xác, khoa học; các kiến thức được hệ thống hóa một cách chặt chẽ, rõ ràng, súc tích; ghi rõ nguồn tài liệu được sưu tầm, trích dẫn (nếu có).
b. SKKN được đánh máy vi tính in trên khổ giấy A4; font Unicode, kiểu chữ Times New Roman, cỡ chữ 14, định lề trên 2cm, dưới 2cm, lề trái 3cm, lề phải 1,5cm, dãn dòng đặt ở chế độ Exactly 17pt, xuống dòng đặt chế độ Before 6pt, After 3pt. Số trang được đánh ở góc dưới bên phải mỗi trang; trang trí khoa học, đóng bìa đẹp. Bìa đề tài phải được ghi rõ ràng theo trật tự sau: tên đơn vị; tên trường; tên đề tài; thuộc môn (nhóm môn; lĩnh vực); tên tác giả (nhóm tác giả); tổ bộ môn; năm thực hiện; số điện thoại cơ quan hoặc cá nhân.
2.3. Đánh giá, xếp bậc:
2.3.1. Quy định chung về xếp bậc:
a. Đối với các phòng giáo dục và đào tạo:
- SKKN được xét, công nhận ở trường (THCS, tiểu học, mầm non): xếp bậc 2; những SKKN xếp bậc 2 được gửi về phòng giáo dục và đào tạo để dự xét bậc 3.
- SKKN được xét công nhận ở phòng giáo dục và đào tạo: xếp bậc 3; những SKKN xếp bậc 3 được gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để dự xét loại A và loại B.
b. Đối với các đơn vị trực thuộc, các trường TCCN:
- SKKN được xét, công nhận ở tổ (nhóm) chuyên môn: xếp bậc 2; những SKKN xếp bậc 2 được chuyển lên trường (trung tâm) để dự xét bậc 3.
- SKKN được xét công nhận ở trường (trung tâm): xếp bậc 3; những SKKN xếp bậc 3 được gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để dự xét xét loại A và loại B.
2.3.2. Thang điểm:
- Bậc 2: Đạt từ 50 điểm trở lên.
- Bậc 3: Đạt từ 60 điểm trở lên.
- Loại A: Đạt từ 70 – 85 điểm.
- Loại B: Đạt từ 86 – 100 điểm.
Các SKKN nếu được Hội đồng xét sáng kiến của ngành xếp loại A sẽ được Sở làm thủ tục để dự hội thi sáng tạo Khoa học Công nghệ hàng năm. 
Thang điểm nêu ở các mục 2. chỉ mang tính tương đối, các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị và chất lượng cụ thể của từng SKKN để áp dụng.
Lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm về tính xác thực, hợp pháp của SKKN trước Hội đồng xét SKKN các cấp bằng việc ký xác nhận vào phiếu chấm.
Những cá nhân, tập thể nào sao chép lại SKKN hoặc những công trình của các tác giả khác để dự xếp bậc SKKN các cấp sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật thích đáng.
3. Tổ chức thực hiện SKKN tại cơ sở:
3.1. Đối với các phòng giáo dục và đào tạo:
Các phòng giáo dục và đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn các trường THCS, tiểu học, mầm non trên địa bàn của đơn vị mình các nội dung cụ thể như sau:
a. Phát động phong trào viết và áp dụng SKKN, phổ biến các yêu cầu về nội dung, hình thức và tiêu chuẩn chấm xếp bậc theo quy định của Sở để các đơn vị tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên đăng ký ĐTKH, SKKN và tiến độ thực hiện.
b. Thành lập Hội đồng đánh giá, xếp bậc SKKN để đánh giá, xếp bậc các SKKN của đơn vị mình.
Sau khi đánh giá, xếp bậc xong, các trường THCS, tiểu học, mầm non chọn lọc những SKKN được xếp bậc 2 để gửi về phòng giáo dục và đào tạo.
c. Hội đồng đánh giá, xếp bậc của phòng giáo dục và đào tạo đánh giá, xếp bậc các SKKN; chọn lọc, sắp xếp và gửi về Sở các SKKN được xếp bậc 3 để dự xét xét loại A và loại B.
          3.2. Đối với các đơn vị trực thuộc, các trường TCCN:
a. Phát động phong trào viết và áp dụng SKKN, phổ biến các yêu cầu về nội dung, hình thức, tiêu chuẩn đánh giá, xếp bậc SKKN theo quy định của Sở, tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên đăng ký đề tài ĐTKH, SKKN và tiến độ thực hiện.
b. Thành lập Hội đồng đánh giá, xếp bậc SKKN để đánh giá, xếp bậc các SKKN của đơn vị mình.
c. Sau khi đánh giá, xếp bậc xong, các đơn vị chọn lọc, sắp xếp và gửi về Sở các SKKN được xếp bậc 3 của đơn vị mình để dự xét xét loại A và loại B.
4. Hội đồng xét SKKN và thời gian gửi hồ sơ.
          4.1. Thành phần Hội đồng xét SKKN:
          Hội đồng xét SKKN có trách nhiệm đánh giá, xếp bậc các SKKN của đơn vị; hoàn tất thủ tục hồ sơ để trình lên Hội đồng cấp cao hơn.
a. Đối với các phòng giáo dục và đào tạo, thành phần Hội đồng xét SKKN bao gồm: Trưởng phòng, Chủ tịch Công đoàn, các Phó Trưởng phòng, cán bộ phụ trách công tác thi đua, phụ trách chuyên môn, các cốt cán chuyên môn của đơn vị; Trưởng phòng làm Chủ tịch Hội đồng; Cán bộ phụ trách công tác nghiên cứu khoa học và SKKN có trách nhiệm tham mưu để ra quyết định thành lập Hội đồng.  
b. Đối với các đơn vị trực thuộc, các trường TCCN, thành phần Hội đồng gồm: Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn, các phó Hiệu trưởng (hoặc Giám đốc, các Phó Giám đốc), Tổ trưởng các tổ bộ môn và các thành viên am hiểu những vấn đề đặt ra trong SKKN. Hiệu trưởng (hoặc Giám đốc) làm Chủ tịch Hội đồng, Thư ký Hội đồng trường (Trưởng phòng đào tạo) có trách nhiệm tham mưu để ra quyết định thành lập Hội đồng.    
c. Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, thành phần Hội đồng xét SKKN gồm: Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn ngành, các Phó Giám đốc, lãnh đạo và chuyên viên các phòng thuộc Sở, cốt cán chuyên môn của ngành. Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp là đơn vị Thường trực Hội đồng. Thường trực Hội đồng có trách nhiệm tham mưu ra quyết định thành lập Hội đồng.
          4.2. Thời gian trình hồ sơ, SKKN:
a. Thời gian gửi SKKN về Sở Giáo dục và Đào tạo:
Các phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị trực thuộc gửi hồ sơ và các bản SKKN đã được đơn vị đánh giá, xếp bậc về Sở trong tháng 4 hàng năm, đồng thời những tác giả có SKKN trình lên Sở phải gửi nội dung SKKN qua địa chỉ mail: haivt64@gmail.com (địa chỉ mail này nếu có thay đổi chúng tôi sẽ thông báo sau)
Sở Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả đánh giá, xếp bậc SKKN cho các đơn vị trước tháng 8 cùng năm.
b. Hồ sơ SKKN gửi về Sở gồm:
- Tờ trình đề nghị đánh giá, xếp bậc SKKN của đơn vị.
- Các SKKN được in và đóng tập theo đúng quy cách nêu trên, kèm theo đĩa CD minh hoạ nội dung (nếu cần).
- Biên bản họp đánh giá, xếp bậc của Hội đồng xét SKKN của đơn vị.
- Bảng tổng hợp danh sách các SKKN.
- Phiếu đánh giá, xếp bậc SKKN của Hội đồng xét SKKN của đơn vị, phiếu chấm phải hợp pháp và được đính kèm với các SKKN.
Các phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị trực thuộc, phải tự phân loại SKKN theo chuyên môn (lĩnh vực) phù hợp với nội dung các SKKN khi gửi về Sở.
Bộ phận thư ký giúp việc có trách nhiệm tổng hợp danh sách, hồ sơ, sơ duyệt, loại ra các SKKN không đảm bảo quy định (SKKN thiếu phê duyệt của Tổ trưởng chuyên môn, của Hội đồng xếp bậc chấm, bản in không đúng phông chữ quy định, có nhiều lỗi chính tả, trang trí lòe loẹt, tên đề tài thiếu khoa học, ...).
          III. PHỔ BIẾN, ÁP DỤNG SKKN:
Kể từ năm học 2009-2010, các phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị trực thuộc, các trường TCCN cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh việc tổ chức phổ biến, ứng dụng kết quả SKKN vào thực tiễn hoạt động của đơn vị mình.
       Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá hoạt động phổ biến, ứng dụng kết quả SKKN và xem đây là một trong những hoạt động quan trọng của năm học. Các đơn vị có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động phổ biến, ứng dụng SKKN một cách cụ thể vào cuối mỗi năm học.
       Các đơn vị có thể phổ biến, áp dụng nội dung các SKKN đã được xếp bậc cao ở đơn vị và ở Sở theo các hình thức sau:
- Tổ chức hội thảo theo các chuyên đề của các SKKN;
- Tổ chức báo cáo, trao đổi thảo luận trong nhóm, tổ chuyên môn, trong trường, trong toàn huyện;
- Tổ chức thử nghiệm các biện pháp quản lý, các phương pháp dạy học... mà nội dung các SKKN đề cập.
          IV. KHEN THƯỞNG VÀ CHẾ ĐỘ BẢO LƯU SKKN
        1. Đối với cá nhân:   
Những SKKN được Sở Giáo dục và Đào tạo xếp xét loại A và loại B thì được khen thưởng theo qui định hiện hành.
Việc bảo lưu kết quả SKKN cấp ngành để vận dụng vào việc đánh giá xếp loại cán bộ, giáo viên được cụ thể như sau:
SKKN xếp xét loại A và loại B được bảo lưu trong 3 năm, kể từ khi có quyết định công nhận.
Tuy nhiên, Sở khuyến khích những tác giả có SKKN xét loại A và loại B trong thời gian được bảo lưu vẫn tiếp tục tham gia hoạt động này.
        2. Đối với tập thể:
Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đưa việc tổ chức hoạt động đúc kết SKKN vào việc xếp loại thi đua của các đơn vị trên cơ sở xem xét các tiêu chuẩn:
- Tỷ lệ SKKN tham gia dự xét cấp ngành trên tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên của đơn vị.
- Tỉ lệ SKKN của đơn vị được Sở Giáo dục và Đào tạo xếp bậc trên tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên của đơn vị.
- Tổ chức tốt các hoạt động phổ biến, áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học và SKKN ở đơn vị (thể hiện ở số buổi tổ chức, hình thức tổ chức, hiệu quả).
- Thực hiện đủ, đúng và có chất lượng qui trình đánh giá, xếp bậc SKKN ở đơn vị. Đảm bảo gửi SKKN về Sở Giáo dục và Đào tạo đúng thời hạn (thể hiện ở biên bản chấm và xếp bậc duyệt SKKN của đơn vị, thời gian gửi SKKN).
                                                                Vũ Thế Hải – Phòng GDCN

Tác giả bài viết: Vũ Thế Hải – Phòng GDCN

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  THĂM DÒ Ý KIẾN

Cảm nhận, đánh giá chung của bạn về giao diện website phiên bản mới?

 NỔI BẬT TRONG THÁNG

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập91
  • Hôm nay12,763
  • Tháng hiện tại777,908
  • Tổng lượt truy cập33,500,705
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây