Website Trường THCS Lê Lợi, Vinh, Nghệ An

https://thcsleloi-vinh.edu.vn


Nhân chuyện của cô giáo Hà Thủy và bài văn “Canh gà Thọ Xương” - Đôi lời tâm sự.

Nhân chuyện của cô giáo Hà Thủy và bài văn “Canh gà Thọ Xương” - Đôi lời tâm sự.
Một bài văn của học trò lớp 7, một kết luận chưa rõ nguồn cơn, bỗng chốc gây nên một làn sóng dư luận không có điểm dừng…và đích đến là cô giáo Hà Thủy trường Lômônôxốp ( Hà Nội ), thậm chí là cả những giáo viên dạy văn nói chung !

   Để rồi ngay sau đó chúng ta lại đón nhận một làn sóng khác cũng từ dư luận truyền thông- những tiếng nói bảo vệ, tiếng nói chia sẻ, cảm thông và quyết đòi lại công bằng cho cô giáo Thủy.

  Về sự cố “ canh gà Thọ Xương” xin không bàn luận đúng sai, lỗi nghiệp vụ hay lỗi kiến thức…Chỉ xin được một phút trải lòng, mong kiếm tìm từ tất cả những ai có thể đồng cảm cho nghiệp nhà giáo của chúng tôi!

  Làm thầy sao khó thế”- là lời của một cư dân mạng khi chứng kiến vụ việc “canh gà Thọ Xương”, và một người bạn của tôi cũng vì việc này mà nói với tôi một cách ái ngại: “ dạy văn dễ gặp nguy hiểm quá”

Vâng, là nghề giáo, nhiều lúc tôi rất tự hào, và thực sự đã rất hạnh phúc. Đó là lúc chúng tôi được học sinh yêu quí, phụ huynh tôn trọng và xã hội tôn vinh. Mỗi ngày đến trường, những gương mặt dễ thương, những miệng cười vô tư, đáng yêu, những ánh mắt trong trẻo lấp lánh ánh hồn nhiên của các em học sinh đã cho tôi cái cảm giác thật dễ chịu, thật thoải mái, và tôi hài lòng biết bao với những gì mình đang có. Nhưng có lẽ, nhân câu chuyện về bài văn “canh gà Thọ Xương” khiến mỗi nhà giáo chúng tôi phải giật mình. Không phải là cái giật mình vì chột dạ đúng sai trong nghề nghiệp ( dù rằng tôi vẫn luôn biết rằng làm người chẳng có ai không vấp sai lầm, làm nghề dạy học, nhất lại là dạy văn, lại càng khó tránh), tôi giật mình là vì những phán xét quá khắt khe, những lời chỉ trích quá nghiệt ngã, những thái độ và cách nhìn đầy giễu cợt của dư luận đối với cô giáo Thủy nói riêng và đối với giáo giới nói chung. Đó là những hành vi cào xước thô bạo  vào danh dự, uy tín của người giáo viên mà họ không đáng phải nhận. Đâu rồi cái đạo lí “Tôn sư trọng đạo” ? Đâu rồi sự tôn vinh về “một nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí”? Và đâu rồi tính nhân văn, sự bao dung giữa con người với con người?... Có ai hiểu rằng chúng tôi, hơn ai hêt là những người trọng danh dự, đầy trách nhiệm và lòng bao dung. Bởi vậy những lời chỉ trích, xúc phạm theo kiểu lăng mạ, nhằm hạ thấp uy tín, làm mất lòng tin ,sẽ là những vết thương lớn trong cuộc đời nhà giáo. Đảm đương trên mình sứ mệnh “ trồng người” chúng tôi hiểu đó là trọng trách lớn lao, không cho phép mình được ngừng nghỉ trên hành trình phấn đấu dài lâu của bản thân. Chúng tôi cần lắm những phản hồi, những đánh giá, góp ý từ phía học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội, để mỗi ngày chúng tôi được trưởng thành và hoàn thiện hơn, để làm tốt hơn sứ mệnh mà xã hội giao phó, nhưng tất cả xin hãy bắt đầu bằng thiện chí,bằng tấm lòng độ lượng chứ không phải là những lời dè bỉu, mỉa mai theo kiểu “ném đá, công kích”, bởi đó là một sự vùi lấp, một sự chà đạp lên danh dự và tinh thần của người thầy giáo. Xin đừng vì thấy vở ghi của học sinh ghi bài không dầy đủ mà vội vàng kết tội giáo viên vô trách nhiệm; cũng đừng vì một cách hiểu sai của con mình mà ngay lập tức quy kết cô giáo không có kiến thức…Xin hãy lắng nghe, cùng chia sẻ và cùng nhau tháo gỡ…Giáo viên dù giỏi đến mấy cũng không ai dám khẳng định mình sẽ không một lần mắc lỗi trong nghề nghiệp. Vì vây xin một lần nhắc lại câu nói : Hãy nghiêm khắc với chính mình và độ lượng với người khác!

Dù thế nào đi chăng nữa, lời kết hôm nay tôi muốn nói  và vẫn nói, rằng: Tôi yêu nghề dạy học, tôi cảm ơn các em học sinh thân yêu của tôi, khi mỗi ngày các em cho tôi niềm vui và hạnh phúc!

                                           Lê Lợi, tháng 10-2012

Tác giả bài viết: Nguyễn Thương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây