Website Trường THCS Lê Lợi, Vinh, Nghệ An

https://thcsleloi-vinh.edu.vn


Trường THCS Lê Lợi tổ chức cho giáo viên Sinh Địa đi thực tế Vườn quốc gia Pumat và lưu vực thượng nguồn sông Giăng

Với những ai thích tham quan khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã thì Vườn quốc gia Pù-Mát chính là sự lựa chọn lý tưởng cho những chuyến du ngoạn miền Tây Nghệ An bởi sự đa dạng của các hệ sinh thái động thực vật ở nơi đây.
Lội suối vào rừng
      Nhằm giúp giáo viên bổ sung kiến thức thực tế phục vụ  chương trình giáo dục địa phương, nhóm giáo viên Địa lý và Sinh học chúng tôi được nhà trường tạo điều kiện tổ chức cho một chuyến đi tìm hiểu thực tế đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Pù-mát và địa hình địa mạo đặc thù của lưu vực thượng nguồn sông Giăng.
      5h30 sáng 27/4/2013 từ trường THCS Lê Lợi chiếc xe nhỏ đưa chúng tôi qua đất Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương rồi ngược lên Anh Sơn, Con Cuông - miền đất phía Tây Nghệ An. Rừng quốc gia Pù-Mát nằm dọc biên giới Việt - Lào trải dài trên 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương, là một trong những khu rừng còn hoang dã nhất ở Việt Nam. Ban quản lý vườn nằm gần quốc lộ 7 thuộc địa bàn huyện Con Cuông, cách thành phố Vinh 130km.
     Từ thị trấn Con Cuông, cán bộ của Vườn hướng dẫn xe đưa chúng tôi đi qua gần 10km vùng đệm có người dân tộc Thái và Khơ mú sinh sống. Hai bên đường là những đồi chè nối tiếp nhau và thấp thoáng nhà sàn trong các vườn vải, vườn xoài trĩu quả. Hết vùng đệm xe theo đường độc đạo đi sâu vào khu rừng nguyên sinh. Đường đi trong Vườn quốc gia Pù-Mát vào thác khe Kèm quanh co và khúc khuỷu, có lúc chúng tôi tưởng mình đang "nhảy van" trên xe. Cảnh rừng xanh ngút ngàn kỳ thú xen lẫn với những dãy núi đá vôi sừng sững thoắt ẩn, thoắt hiện trước mắt khiến chúng tôi quên đi sự mệt mỏi do đường xấu, xe xóc. Hai bên đường vào rừng cảnh vật hoang sơ và tuyệt đẹp. Những cánh rừng nứa nối nhau hai bên đường, thỉnh thoảng chìa cả ngọn ra đường, quẹt vào thân xe. Sườn núi ven đường trắng phất phơ vô vàn hoa đót trắng. Càng vào sâu càng nhiều những cây cổ thụ thân cao vút phủ đầy rêu, lòng thòng các loại dây leo. Dưới tán cây cao vô số loài cây thân thảo, cây ký sinh như khoe cả ngàn loại hoa rừng đa màu sắc.
      Đến trạm kiểm lâm cuối cùng, chúng tôi xuống xe cuốc bộ đường rừng và lội suối hơn 1 km để tiếp cận thác khe Kèm. Sau một đêm mưa lớn, cây cối đổ ngốn ngang khắp lối đi, đường trơn nhẫy, đầy nước ai cũng lo lắng bị vắt bám vào chân. Những thân cây nhỏ xíu chen nhau mọc cao vút, một cây dẻ đổ ngang đường đầy hoa vàng thơm ngát, vô số cây dương xỉ khổng lồ ven suối, ... Nước suối trong vắt, rì rào chảy xiết, mát lạnh dưới chân chúng tôi và loáng thoáng những chú cá mát nhanh nhẹn bơi ngược dòng rỉa rong rêu bám ở các hòn đá trong dòng nước chảy. Níu chân chúng tôi lâu nhất vẫn là thác khe Kèm. Từ độ cao hơn 100m dòng nước đổ xuống như giăng màn, tung bọt trắng xóa trông thật hùng vĩ, đẹp mắt ! Hơi nước từ thác bay ra mát đến lạnh rung người.
      Vừa đi vừa ngắm cảnh rừng chúng tôi phải luôn tay xua lũ ruồi vàng liều lĩnh xông vào đốt và thỉnh thoảng phải dừng chân kiểm tra lũ vắt đói tinh quái nhẹ nhàng luồn vào kẽ chân hút máu. Vậy mà cũng không tránh được ! Mấy cô bị ruồi đốt ngứa ngáy, bị vắt bám vào chân tay, sếp trưởng cũng nhít được 2 con vắt ra khỏi kẽ chân và máu chảy loang lổ cả bàn chân. Rừng nguyên sinh là vậy ! Các kiểm lâm viên vẫn hằng ngày phải vất vả chung sống với chúng để gìn giữ sự nguyên sinh cho vườn quốc gia.
Bắt đầu lên đường vào rừng nguyên sinh Rừng hoang sơ với bao nhiêu loại cây cối tự nhiên
Thác khe Kèm đổ xuống từ độ cao 100m như giăng màn Suối dưới chân thác khe Kèm

     Chia tay thác khe Kèm và rừng già, xe đưa chúng tôi trở ra khu vực Ban quản lý vườn thăm Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã và Nhà bảo tàng đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Pù-Mát. Trạm cứu hộ động vật giống như một vườn bách thú mini. Nơi đây, các động vật hoang dã bị lâm tặc đặt bẫy, bắn bị thương trong rừng hoặc thu được từ các chuyến buôn lậu bị bắt giữ chuyển đến. Nào là gấu, khỉ, nhím, rùa, … có cả một chú hổ nặng gần 170kg. Chúng được bố trí ở trong các chuồng riêng, được các nhân viên trong trạm cứu chữa, chăm sóc, phục hồi sức khỏe và sau đó được trả về với thiên nhiên hoang dã của vườn. Thật là kỳ công !
     Tại Nhà bảo tàng đa dạng sinh học, bên bản đồ và sa bàn tổng thể lớn bằng cả gian nhà, hướng dẫn viên giới thiệu với chúng tôi quy mô vườn, nhiệm vụ và phương pháp làm việc của Ban quản lý để bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học. Hướng dẫn viên của vườn cho biết vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát rộng khoảng 90.000 héc-ta, toàn là rừng nguyên sinh. Đỉnh cao nhất có tên là Mat gọi theo tiếng Thái là Pù Mát, để tới đó phải đi bộ xuyên rừng mất từ 5 đến 7 ngày nhưng anh em kiểm lâm vẫn phải định kỳ xuyên rừng đi kiểm tra các khu vực. Hệ động thực vật của vườn vô cùng phong phú, là một trong những khu bảo tồn đa dạng sinh học lớn nhất nước ta. Tại đây các nhà khoa học đã điều tra, xác định có 2.494 loài thực vật, 42 loài thú lớn, 20 loài thú nhỏ, 295 loài chim…vv.. Trong rừng hiện còn rất nhiều thú hoang như hổ, báo, heo rừng, vọoc, vượn đen, gấu chó, chồn, ... và đặc biệt là đây là một trong các khu rừng còn nhiều voi nhất Việt Nam, khoảng 15 con.
        Điểm đặc sắc nhất là trong Nhà bảo tàng là có rất nhiều tủ trưng bày vô số tiêu bản động vật thể hiện rất rõ sự đa dạng động vật của vườn. Hàng trăm mẫu ngâm các loại cá sông, khe, suối, hàng chục loại rắn, trăn, kỳ đà, … sống ở rừng. Hàng chục loại rùa, mấy chục loại bướm màu sặc sỡ. Gần 30 mẫu nhồi các động vật lớn quý hiếm như sao la, hổ, báo, cầy, … Chúng là các con vật bị thương quá nặng, không qua khỏi, sau khi chết được các chuyên gia xử lý thành mẫu nhồi để giới thiệu với khách đến thăm vườn.
        Tại nhà khách của Ban quản lý vườn, bữa trưa hôm đó chúng tôi được thưởng thức cá mát sông Giăng chiên giòn, chạch suối om chuối, nộm hoa chuối rừng, măng đắng chấm mắm tôm, gà đồi tơ luộc mềm  đều là các đặc sản nối tiếng, quen thuộc của khu vực thượng nguồn sông Giăng.

Một chuồng dưỡng thú tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Tìm hiểu tại Nhà bảo tàng đa dạng sinh học của vườn
Tiêu bản các loài bướm trong vườn Pù Mát Tiêu bản mẫu nhồi chồn, cầy, chim hồng hạc, ...
Mẫu nhồi gấu, beo, ... Tiêu bản mẫu ngâm các loại cá trong vườn

        Buổi chiều, sau gần 1 h chạy xuyên qua địa bàn đồi núi Lục Dạ, Môn Sơn xe đưa chúng tôi đến đập Phà Lài nằm trên sông Giăng. Phà Lài trong tiếng Thái nghĩa là hoa của Trời, một cái tên đẹp. Bị chắn ngang khu vực đập, dòng sông trải rộng mênh mang. Thuyền máy của đội kiểm lâm vừa làm nhiệm vụ vừa kết hợp dịch vụ đã đưa chúng tôi ngược dòng sông Giăng. Mạo hiểm nhưng thú vị, sáu, bảy thầy cô khoác áo phao vào người, chống chếnh bước lên thuyền bắt đầu chuyến thám sát. Tiếng máy nổ giòn vọng xuống lòng sông, vang vào vách núi đá vôi và con thuyền ngược dần dòng sông xanh. Sóng từ thuyền máy lan ra đập vào bụi cây rừng lúp xúp hai bên bờ sông. Theo dòng sông quanh co, con thuyền như lách dần vào giữa các dãy núi đá vôi dựng đứng. Rời con đập vài km, càng đi lên dòng sông càng hẹp và cạn dần nhìn được cả sỏi đá dưới đáy. Ven bờ thấp thoáng vài ba cái chòi của dân đi rừng làm chỗ nghỉ tạm. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp vài ba người dân địa phương giăng lưới bắt cá mát, cá ở đay khá nhiều, họ đem theo cả que kẹp để nướng cá mới bắt được. Đi vào sâu thêm khoảng 5km là đến khu vực cư trú của tộc người Đan Lai, một tộc người chỉ có không đến vài ngàn người. Theo truyền thuyết, người Đan Lai xưa kia là người Kinh, bị cai tổng bóc lột, thu sưu cao, không chịu nổi phải trốn vào rừng sâu, gần như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Họ luôn phải đối mặt với cái đói và thú dữ nên phải ngủ ngồi để đề phòng, lâu dần thành tập tục của cả tộc người. Họ sử dụng thuyền độc mộc để đi trên sông, sử dụng gùi để mang củi, gạo, … Đến quãng nước cạn chúng tôi rời thuyền lội xuống suối để lên bãi sỏi ven bờ. Các loại cây của khu vực thượng nguồn sông Giăng cũng rất đa dạng, từ các loại cây thân gỗ cổ thụ đến cây thân thảo và rất nhiều loại thực vật bậc thấp.
Lên thuyền Kiểm lâm chuẩn bị ngược dòng sông Giăng Ngược dòng sông Giăng tìm hiểu địa hình địa mạo khu vực
Phút dừng chân sau quá trình thu thập các mẫu thực vật Sau lưng là suối thượng nguồn sông Giăng

       Với địa hình núi đá vôi ở khu vực này còn hình thành nhiều sông ngầm chảy trong đá, trong đất rồi đột ngột hiện ra ở một chỗ nào đó trên mặt đất. "Rốn trinh nữ" ở Yên Sơn, ngay trên đường chúng tôi trở ra là một ví dụ. Nước ngầm luồn lách âm thầm đâu đó trong đồi núi đột ngột phun chảy liên tục giữa các tảng đá ở bìa làng Yên Sơn tạo thành hồ nước nhỏ trong vắt, là chỗ tắm tự nhiên cho dân làng và du khách. Nước chảy còn làm cho một cái cọn nước quay vô tư ngày đêm đưa nước lên các ruộng lúa gần đó. Một món quà thiên nhiên đã ban tặng cho con người nơi đây. Thật thú vị !
"Rốn cô Tiên" ở Yên Sơn là mạch nước ngầm tuôn chảy từ các hang đá vôi

       Chia tay thượng nguồn sông Giăng, chia tay Vườn quốc gia Pù- Mát chúng tôi rất ấn tượng về cảnh quan thiên nhiên nơi này. Chuyến đi ngắn ngủi chỉ có 14 tiếng đồng hồ nhưng đã giúp chúng tôi thu thập được nhiều thông tin, hình ảnh độc đáo về thiên nhiên và con người nơi đây, được khám phá thêm nhiều cảnh đẹp của Nghệ An quê mình. Tiếng đồn quả không sai khi cho rằng Pù-Mát  là khu bảo tồn đa dạng sinh học lớn nhất nước ta !!! 
 

Tác giả bài viết: CN Nguyễn Thị Bình - TS Võ Hoàng Ngọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây