Diễn văn kỷ niệm 30 năm thành lập các trường học phường Lê Lợi

Thứ năm - 21/11/2013 08:01
Ba mươi năm phát triển và trưởng thành các nhà trường phường Lê Lợi là 30 năm phấn đấu không biết mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường vì thế hệ trẻ và cũng là 30 năm nỗ lực hết sức mình của đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương vì sự nghiệp giáo dục.
Mừng 30 năm thành lập các nhà trường Lê Lợi
Mừng 30 năm thành lập các nhà trường Lê Lợi
Diễn văn lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường Phổ thông cơ sở và trường Mẫu giáo Lê Lợi
 
Kính thưa các đ/c đại diện cho lãnh đạo và các cơ quan ban ngành thành phố !
Kính thưa các đ/c đại diện Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể phường Lê Lợi !
Kính thưa các đ/c đại diện cho cán bô, nhân dân các khối dân cư trong toàn phường !
Kính thưa các đ/c cán bộ, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác tại các nhà trường cùng câc cháu học sinh thân mến !
         
          Trong không khí tưng bừng phấn khởi của toàn dân thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 83 năm ngày thành lập MTTQ thống nhất Việt Nam, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, hôm nay Đảng ủy, UBND phường Lê Lợi long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập các trường học thuộc phường Lê Lợi. Thay mặt cấp ủy, chính quyền địa phương, tôi xin gửi lời chào trân trọng đến các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo và các cháu học sinh.
 
Kính thưa các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo và các cháu học sinh !
          Thành lập năm 1981, phường Lê Lợi nằm ở vị trí trung tâm của thành phố Vinh, một vùng đất nhân dân cần cù chịu khó, giàu lòng yêu nước, tinh thần cách mạng và có truyền thống hiếu học của xứ Nghệ. Hơn 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phường, nhân dân phường Lê Lợi đã vượt qua biết bao khó khăn gian khó, nỗ lực phấn đấu xây dựng phát triển từ một vùng đất bán thành thị, bán nông thôn thành một phường giàu mạnh, văn minh. Trong đó sự phát triển hệ thống giáo dục của phường đạt được nhiều thành tích xuất sắc, một điểm sáng đáng trân trọng.  
          Năm 1981 khi mới thành lập, phường Lê Lợi chưa có hệ thống giáo dục riêng, con em của phường đang phải học nhờ ở các phường xã khác lân cận như Hưng Bình, Hà Huy Tập, Quang Trung, … Đầu năm 1983 Phòng GD&ĐT Vinh cử thầy Nguyễn Kế về phối hợp với phường chuẩn bị thành lập Trường Phổ thông cơ sở Lê Lợi. Ngày 10 tháng 6 năm 1983, UBND thành phố Vinh ra quyết định thành lập Trường THCS Lê Lợi, giao cho thầy Nguyễn Hồng Minh làm hiệu trưởng, thầy Nguyễn Kế và thầy Nguyễn Cảnh Thịnh mới tăng cường thêm làm hiệu phó. Lãnh đạo địa phương và Ban giám hiệu đã tham mưu thành phố cấp cho 140 000 đ và xin được một số vật liệu giấy dầu, cây mét của các cơ quan, xí nghiệp xây dựng được 2 dãy nhà cấp 4 với 14 phòng tại xóm Hòa Lạc (khối 6). Khai giảng năm học 1983-1984 trường có 27 lớp (4 lớp THCS và 23 lớp Tiểu học) với 1084 học sinh và 38 cán bộ, giáo viên. Bậc học phổ thông cơ sở của riêng phường bắt đầu đi vào hoạt động.
          Cũng vào năm 1983, cô Trần Thị Lê được Phòng GD&ĐT Vinh cử về cùng UBND phường tiếp nhận một số nhóm lớp mẫu giáo do cô Phạm Thị Bảo bàn giao từ một phần của hệ thống mẫu giáo Hưng Bình, tổ chức thành 13 lớp mẫu giáo gồm 265 cháu, khởi đầu hình thành bậc học mầm non của phường. Khi đó 5 lớp học tại các hội quán xóm Yên Cư, Hòa Lạc, Bội Châu, Vĩnh Lạc, Vĩnh Thắng và 8 lớp học ở các cơ quan, xí nghiệp Đầu máy, Ga Vinh, F19, CT65, Vận tải hàng hóa số 1, Công ty Cầu đường 2, Xi nghiệp xây lắp điện, Kiến trúc 469 do nhân viên các cơ quan xí nghiệp làm giáo viên. Năm 1985, Phòng GD&ĐT Vinh bổ sung thêm 4 giáo viên về dạy ở các lớp mẫu giáo mới tổ chức thêm ở các hội quán, cùng với các lớp đã có lập thành trường Mẫu giáo Lê Lợi, giao cho cô Ngô Thị Thịnh làm hiệu trưởng, cô Trần Thị Lê làm hiệu phó. Giai đoạn này, các nhà trường đều chưa có văn phòng, lãnh đạo làm việc nhờ nhà dân (nhà bà Đối), họp cán bộ, giáo viên ở lớp học. Sau khi xóm Hòa Lạc xây dựng được hội quán thì GV mầm non mới về họp chung tại hội quán Hòa Lạc.
          Liên tục các năm sau đó quy mô trường PTCS và trường Mẫu giáo đều tăng rất nhanh. Đến năm học 1988 – 1989 trường PTCS Lê Lợi có tới 61 lớp (43 lớp tiểu học và 18 lớp THCS) với 2491 học sinh, hệ mẫu giáo số cháu đã lên đến 320, số lớp lên đến 16, số cô mẫu giáo tăng lên 22, các trường đã được xếp loại khá, tiên tiến.
          Tháng 9 năm 1989, thực hiện chủ trương tách cấp, trường PTCS Lê Lợi được tách thành 2 trường Tiểu học và THCS Lê Lợi. Khi đó Trường THCS Lê Lợi có 20 lớp với 1050 học sinh và 45 cán bộ, giáo viên, nhân viên do thầy Nguyễn Hồng Minh tiếp tục làm hiệu trưởng, thầy Hoàng Quốc Tuấn hiệu phó và sau đó đề bạt thêm cô Lê Thị Hoài Nam làm hiệu phó. THCS Lê Lợi được chia 10 phòng học cấp 4 nhà xây. Trường Tiểu học Lê Lợi có 46 lớp, 1736 học sinh và 54 cán bộ, giáo viên do thầy Nguyễn Cảnh Thịnh làm hiệu trưởng, thầy Nguyễn Kế hiệu phó và sau đó đề bạt thêm cô Nguyễn Thị Ánh Kim, cô Nguyễn Thị Thanh Tịnh làm hiệu phó. Khi chia tách, Trường Tiểu học được chia 24 phòng học chủ yếu là nhà lợp giấy dầu và phibro. Khai giảng được 1 tuần thì trong 10 ngày liên tiếp 3 cơn bão sô 7,8,9 đổ bộ đã xóa sạch cơ sở vật chất trường Tiểu học. Các lớp tiểu học phải rải ra học nhờ hội quán các khối dân cư, hội trường nhà máy CT65, có 6 lớp học nhờ ở xưởng trường của Trường cấp 3 Vinh 2. Đến năm học 1993 - 1994, khi trường Tiểu học Lê Lợi có được 2 đơn nhà 2 tầng gồm 18 phòng học khang trang mới chấm dứt cảnh đi học nhờ các nơi.
          Đến năm 1994 Lê Lợi là một trong những phường có số học sinh 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS đông nhất thành phố, toàn phường có 104 lớp học với 4 060 học sinh. Năm 1994 trường Mẫu giáo Lê Lợi đổi tên thành Trường Mầm non Lê Lợi. Năm 1996 lần đầu tiên thành lập cụm mầm non bán trú có 5 lớp tại khối 18 phường Lê Lợi, các lớp còn lại vẫn học ở hội quán các khối. Hiệu trưởng là cô Bùi Thị Hợp, hiệu phó cô Lê Thị Hồng Anh.
          Quy mô Trường THCS tiếp tục tăng nhanh, đỉnh điểm là năm học 1997 – 1998 trường THCS có tới 44 lớp với 1855 học sinh, các lớp đều chật kín học sinh, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên lên tới 109 người lớn nhất thành phố Vinh.
          Trường Tiểu học cũng vậy. Do tăng trưởng nhanh, quy mô quá lớn, năm học 1995 - 1996, trường Tiểu học Lê Lợi phải tách thành 2 trường: Trường Tiểu học Lê Lợi ở lại cơ sở cũ với 36 lớp và 1286 học sinh do thầy Nguyễn Cảnh Thịnh tiếp tục làm hiệu trưởng; Trường Tiểu học Nguyễn Trãi với 24 lớp và gần 800 học sinh được xây dựng trên khuôn viên mới có diện tích 10 000 m2 ở phía bắc đường Phan Bội Châu do cô Nguyễn Thị Ánh Kim làm hiệu trưởng. Trường Tiểu học Lê Lợi dưới sự lãnh đạo của thầy Nguyễn Cảnh Thịnh đã dũng cảm đi đầu thực hiện việc tổ chức các lớp học bán trú, vận động đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, tăng trưởng rất nhanh về thiết bị dạy học, thiết bị sinh hoạt cho học sinh, trở thành điểm sáng đặc biệt của tỉnh.
          Trường Mầm non Lê Lợi đến năm 2002 có tới 18 lớp, 345 cháu, 30 cô giáo, không còn lớp lẻ mà tất cả tập trung tại một điểm trường đã được xây dựng đàng hoàng ở khối 18. Hiệu trưởng là cô Nguyễn Thị Lài, hiệu phó là cô Trần Thị Vinh. Năm 2004 trường Mầm non Lê Lợi được công nhận danh hiệu Đơn vị văn hóa.
          Năm 2005 khi chia tách thành 2 phường, khối 18 thuộc về phường Quán Bàu, trường Mầm non Lê Lợi thuộc về Quán Bàu và đổi tên thành Trường Mầm non Sao Mai. Trường Tiểu học Nguyễn Trãi cùng thuộc về phường Quán Bàu từ đấy. Hiện nay, các cháu mầm non Lê Lợi số thì xin học Trường Sao Mai, số thì xin vào Trường Mầm non Cầu đường bộ, một số vào học Trường mầm non tư thục Bluski.
          Từ năm 2001 trở đi, nhờ chính sách Kế hoạch hóa gia đình, số lớp, số học sinh tiểu học và THCS giảm dần và đi vào ổn định. Sức hút học sinh các phường xung quanh vào Tiểu học và THCS Lê Lợi vẫn rất mạnh và cả 2 trường hiện vẫn là trường lớn nhất thành phố ở mỗi bậc học. Năm học 2013-2014, Trường Tiểu học Lê Lợi có 34 lớp với 1533 học sinh và 72 cán bộ giáo viên, Trường THCS Lê Lợi có 31 lớp với 1175 học sinh và 71 cán bộ giáo viên.
          30 năm phát triển các nhà trường là 30 năm cấp ủy, chính quyền và nhân dân toàn phường đã nỗ lực hết sức mình chăm lo, đầu tư phát triển CSVC cho các nhà trường. Số lớp, số học sinh các nhà trường tăng nhanh đến chóng mặt, dân chưa giàu, phố chưa khang trang, nhưng lãnh đạo và nhân dân phường Lê Lợi chưa bao giờ để các nhà trường phải học ca 3. Lãnh đạo phường phấn đấu xây nhà học cấp 4, rồi phấn đấu xây đủ nhà học cao tầng, xóa nhà cấp 4, phấn đấu có khu phòng học bộ môn, thư viện, rồi khu nhà làm việc cho các thầy cô, … 30 năm qua, vừa phấn đấu đủ phòng học, vừa nỗ lực thực hiện chủ trương cao tầng hóa trường học, phường đã đầu tư ước khoảng ... tỷ đồng xây dựng được 10 nhà học cao tầng, xóa hết nhà học cấp 4, xây được một trường mầm non khang trang hiện đại, một thành tích đáng tự hào. Vì con em của mình, phụ huynh Lê Lợi sẵn sàng dốc túi cùng nhà trường đầu tư sắm bàn ghế mới, lắp điện quạt, bắt nước máy, sắm máy vi tính, rồi máy chiếu và nhiều thiết bị khác kịp đáp ứng việc đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục, thực hiện tốt mục tiêu nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực và đào tạo nhân tài đúng với quan điểm của Đảng và Nhà nước.
          Đi đầu thực hiện xã hội hóa giáo dục thực hiện bán trú, đầu tư CSVC thiết bị, đến năm 1994 Trường Tiểu học Lê Lợi đã khang trang, phòng học, trang thiết bị học tập, sinh hoạt của học sinh đã khá đầy đủ. Trường tiếp tục làm thêm nhiều hạng mục, sắm thêm nhiều thiết bị hiện đại. Hiện nay, Trường Tiểu học có đủ 33 phòng cao tầng để học bán trú cả ngày, có 2 dãy nhà làm việc, văn phòng, có bếp ăn bán trú, có sân chơi, bãi tập, nhà vệ sinh, có thư viện đạt chuẩn quốc gia, có phòng máy vi tính với 25 máy tính, 10 máy in, 1 máy photo, 16 đàn, hệ thống đèn chiếu, ... Các lớp học đều được trang bị đầy đủ bàn ghế, quạt, đèn, tủ, sách, bảng chống lóa, ...  cùng nhiều trang bị phục vụ học tập, sinh hoạt bán trú. Hơn 15 năm qua, trường Tiểu học Lê Lợi là địa chỉ thường xuyên cho các trường trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập.
          Trường THCS Lê Lợi đến 2005 cũng đã xóa hết nhà cấp 4, có được 20 phòng học cao tầng, có khu phòng học bộ môn, thư viện. Năm 2006 xây mới khu làm việc cho lãnh đạo, hành chính, giáo viên. Mỗi năm một ít sắm dần đồ dùng dạy học, thiết bị thí nghiệm, máy vi tính, máy chiếu đa năng, … Đến nay trường đã có 5 phòng học bộ môn với tương đối đủ thiết bị, có 1 phòng Tin học 40 máy, 3 phòng dạy bài giảng điện tử, thư viện đạt chuẩn quốc gia, … cơ bản đáp ứng đủ các hoạt động dạy học, giáo dục.
          Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy, sự đầu tư thích đáng của chính quyền phường, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, sự chỉ đạo của ngành GD&ĐT thành phố, lãnh đạo và giáo viên các trường Lê Lợi đã nỗ lực phấn đấu dạy tốt, thực hiện giáo dục toàn diện, phối hợp 3 môi trường làm công tác giáo dục học sinh, quan tâm làm tốt chất lượng đại trà, đầu tư thích đáng cho thành tích mũi nhọn. Con em phường Lê Lợi không chỉ được học đủ các môn văn hóa mà còn được giáo dục quan hệ ứng xử, giáo dục truyền thống, lòng nhân ái, giáo dục pháp luật, được rèn luyện về thể chất, được giáo dục âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục hướng nghiệp và các nghề phổ thông. Các trường Lê Lợi cũng là nơi sớm đưa Tin học vào nhà trường, tich cực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục, phát triển đa dạng hóa ngoại ngữ.
          Năm học 1992-1993, THCS Lê Lợi và Tiểu học Lê Lợi cùng được chọn làm điểm thực hiện chương trình  dự án Tiếng Pháp song ngữ, hình thành hệ thống lớp học Tiếng Pháp, kết nghĩa với các trường ở tỉnh Côtes d'Armor, trở thành một thành viên tích cực của Cộng đồng Pháp ngữ. Các trường đã thực hiện rât tốt các hoạt động giao lưu, kết nối tình hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp. Cũng từ năm học 1992 – 1993, cả 2 trường cùng trường được Sở GD&ĐT Nghệ An chọn làm trường trọng điểm, trường thực hành các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục.
          Điều kiện học tập được cải thiện, chất lượng các bậc học được nâng lên đều, các trường tích cực điều tra phổ cập, phối hợp các khối xóm, Hội khuyến học, Hội phụ nữ động viên học sinh ra lớp. Nhờ đó, đến năm học 1998-1999 tỷ lệ trẻ em đến trường mầm non đã đạt 95%, tỷ lệ lên lớp và tốt nghiệp tiểu học đạt từ 96 – 100%, phường Lê Lợi hoàn thành phố cập giáo dục bậc tiểu học. Đến 2008, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100%, phổ cập tiểu học đạt 100%, học sinh tiểu học chuyển cấp đạt 100%, phổ cập bậc THCS đạt 97%, phường đã hoàn thành phổ cập Tiểu học và THCS vững chắc.
          Trường Tiểu học đã có 100% học sinh được học 2 buổi/ngày trong đó 90% nội trú. Chất lượng dạy học sớm đạt đỉnh cao và luôn đứng vào 3 trường tốp đầu thành phố, nổi tiếng trong toàn tỉnh. Học sinh đạt yêu cầu trở lên 100%, trong đó loại giỏi đạt 60,5%. Tỷ lệ học sinh giói các cấp của trường luôn đứng vị thứ nhất, nhì của thành phố. Nhiều em đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia: Bùi Thị Vân Chung, Phan Thị Quỳnh Trang, Lê Quốc Bảo, Trần Thanh Hải, Nguyễn Văn Vũ Cường, Nguyễn Hoài Anh, Võ Hoàng Việt, Đào Minh Chiến, … Khi học lên bậc THCS các em đều phát huy tốt. Hằng năm trường có từ 10 – 22 em thi đậu vào trường THCS Đặng Thai Mai, thuộc tốp 4 trường tiểu học đứng đầu thành phố.
          Trường THCS Lê Lợi cũng vươn lên mạnh mẽ. Tỷ lệ học sinh đạt yêu cầu, tốt nghiệp THCS những năm đầu thành lập trường chỉ đạt 60 đến 70%, tỷ lệ giỏi chưa đến 2%. Từ năm 2000 trở đi tỷ lệ này đã tăng lên trên 90%, có 5% loại giỏi. Vài năm gần đây tỷ lệ học sinh đạt yêu cầu, tốt nghiệp THCS đạt trên 95%, có năm đạt trên 98% và có tới 17% loại giỏi. Từ một trường có thứ hạng thấp về thành tích thi học sinh giỏi, THCS Lê Lợi đã vươn lên vị trí thứ 2 toàn tỉnh Nghệ An về số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh. Mươi năm trở lại đây, mỗi năm trường có 25 – 30 học sinh giỏi cấp thành phố, 10 - 16 học sinh giỏi cấp tỉnh. Tổng hợp đến hết năm học 2011 – 2012 trường có 1593 học sinh giỏi cấp thành phố, 287 học sinh giỏi cấp tỉnh, nhiều em là thủ khoa, giải Nhất, có 15 học sinh giỏi cấp quốc gia. Rất nhiều học sinh thi đậu vào các trường THPT chuyên. Chỉ riêng năm 2013 đã có 28 học sinh đậu vào trường THPT chuyên Phan Bội Châu, 18 học sinh đậu vào trường THPT chuyên Đại học Vinh. Học sinh các lớp Tiếng Pháp của THCS Lê Lợi hoàn toàn tự tin khi giao tiếp với người Pháp, em Nguyễn Thị Tài Linh đoạt giải quốc tế về sáng tác bài hát Tiếng Pháp và các em đã tham gia rất nhiều hoạt động giao lưu với các đoàn Pháp sang thăm phục vụ cho công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh nhà. Học sinh giỏi quốc gia Tiếng Pháp lớp 12 của Nghệ An hầu hết xuất thân từ các lớp Tiếng Pháp của trường THCS Lê Lợi.
          Đội tuyển thể dục thể thao của trường THCS Lê Lợi luôn là đội mạnh, đoạt Huy chương đồng toàn đoàn Hội khỏe Phù Đổng thành phố năm 2012, Huy chương vàng bóng rổ nữ năm 2013. Trường rất mạnh về thành tích học sinh thi vẽ tranh thiếu niên. Năm 2012, THCS Lê Lợi có 5 em đoạt giải quốc gia trong cuộc thi vẽ tranh “Chúng em với an toàn giao thông”. Đội nghi thức và Đội văn nghệ học sinh nhà trường đoạt nhiều giải cao, thường được điều động phục vụ các lễ hội, giao lưu của thành phố. Liên đội THCS Lê Lợi nhiều năm là Lá cờ đầu của tỉnh. THCS Lê Lợi cũng là trường luôn dẫn đầu về các hoạt động từ thiện, ủng hộ người nghèo, ủng hộ vùng thiên tai, bão lụt.
          Trường THCS Lê Lợi còn có nhiều gương mặt học sinh tiêu biểu toàn diện. Em Nguyễn Hà Thương đạt giải Nhất cấp tỉnh cuộc thi kể chuyện về Bác, được tham dự Đại hội đại biểu cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc 2002-2003. Em Ngô Thị Tú Anh đạt Huy chương vàng quốc tế cùng với 2 em khác đoạt giải Nhất cấp quốc gia trong cuộc thi vẽ tranh về tệ nạn ma túy năm học 2004-2005. Em Lê Thục Anh - Học sinh giỏi quốc gia môn Tin học được Ban tổ chức Nhân tài đất Việt tặng bằng khen, đồng thời là Chỉ huy đội xuất sắc cấp tỉnh, là đại biểu nhỏ tuổi nhất tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII tháng 10 - 2005. Em Phạm Thị Hương Tràm đạt giải Nhất Tiếng hát nhà trường cấp tỉnh 2009, về sau là Quán quân Tiếng hát Việt năm 2012.
          Đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường đã cố gắng vươn lên về mọi mặt, đóng góp nhiều cho sự nghiệp giáo dục. Trường Tiểu học Lê Lợi từ chỗ hầu hết các cô giáo có trình độ trung học sư phạm, một số cô chưa đạt chuẩn thì nay 100% đạt và vượt chuẩn, đã có nhiều cô có trình độ đại học, có hàng chục cô là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh. Trường THCS Lê Lợi đến năm 2000 cũng không còn thầy cô chưa đạt chuẩn Cao đẳng , số thầy cô trình độ vượt chuẩn tăng nhanh, hiện chỉ còn 1 cô trình độ Cao đẳng, còn lại trình độ Đại học trở lên. Trong 71 CBGVNV của trường THCS hiện nay có 1 Tiến sỹ, 3 Thạc sỹ, 55 Đại học, 26 giáo viên giỏi cấp thành, 16 giáo viên giỏi cấp tỉnh, 19 giáo viên từng có sáng kiến kinh nghiệm bậc 4 của Sở GD&ĐT. Một đội ngũ rất mạnh của bậc THCS.
          Hết lòng vì sự nghiệp, không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ, một số cán bộ, giáo viên xuất sắc đã được đề bạt giữ cương vị cao, được công nhận các danh hiệu cao.
          Ở trường THCS Lê Lợi, thầy Nguyễn Hồng Minh - hiệu trưởng đầu tiên hiện là Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Vinh. Cựu hiệu phó Lê Thị Hoài Nam hiện là Phó ban Tổ chức tỉnh ủy Nghệ An. Thầy Hồ Viết Xuân - hiệu trưởng, cô Lê Thị Ánh Tuyết - giáo viên lần lượt được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Có 5 thầy cô được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen. Cô Ngô Thị Thu Hà là 1 trong 10 giáo viên Tổng phụ trách Đội cả nước được trao giải Cánh én hồng toàn quốc năm 2013. Còn rất nhiều cán bộ, giáo viên được công nhận CSTĐ cấp tỉnh, được chọn làm cốt cán của ngành giáo dục.
          Ở trường Tiểu học Lê Lợi, thầy Nguyễn Cảnh Thịnh được phong tặng Nhà giáo ưu tú năm 1998. Thầy Lê Viết Lượng được thưởng Huân chương lao động, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ. Các cô giáo Phan Thị Hằng, Trần Thị Việt Hà, Văn Thị Lý được công nhận GV giỏi cấp quốc gia. Các cô Nguyễn Thị Ánh Kim, Nguyễn Thanh Tịnh, Nguyễn Thị Xuân, Trần Như Hà, Nguyễn Thị Phương, Lê Thị Kim Lan, Ngô Thị Thu Dung, Dư Thị Hà, Trần Thị Minh Nguyệt, Trần Thị Châu Hà, Tạ Thị Thu Hồng, Trần Thị Bích Thủy, Nguyễn Thị Thu Hà, ... được công nhận GV giỏi, CSTĐ cấp tỉnh.
          Ngành GD&ĐT đã kiểm tra theo các tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT quy định và đã cấp các bằng công nhận chất lượng cao nhất cho 2 trường, khẳng định đẳng cấp cao cho các trường của phường Lê Lợi. Năm học 1997-1998 Tiểu học Lê Lợi là trường đầu tiên của tỉnh được công nhận Trường chuẩn quốc gia giai đoạn 1, năm học 2006-2007 đạt Trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Năm 2006 THCS Lê Lợi là trường thứ 2 của thành phố Vinh được công nhận Trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Năm 2013 THCS Lê Lợi là trường THCS đầu tiên của  Nghệ An đạt tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3 mức cao nhất theo Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT.
          Hội đồng thi đua các cấp cũng đã ghi nhận công lao đóng góp xuất sắc của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường bằng nhiều danh hiệu cao quý.
          Trường Tiểu học Lê Lợi từ khi tách trường đến nay luôn được UBND Thành phố Vinh tặng giấy khen và được UBND tỉnh tặng bằng khen. Năm học 1992-1993 được UBND tỉnh tặng "Cờ thi đua xuất sắc" và được công nhận "Lá cờ đầu" của bậc tiểu học tỉnh Nghệ An. Năm học 1994-1995 được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc. Năm học 1995-1996 được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen. Năm học 1996-1997 được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba. Năm học 1997-1998 được Công đoàn giáo dục Việt Nam tặng bằng khen. Năm học 1998 - 1999 được công nhận Đơn vị văn hóa xuất sắc cấp Tổng liên đoàn lao động. Năm học 2002-2003, 2003-2004 đạt Trường TTXS cấp tỉnh. Năm học 2004-2005 Trường TTXS - Lá cờ đầu bậc tiểu học toàn tỉnh. Năm học 2008-2009 đến nay luôn đạt TTXS, được UBND tỉnh tặng bằng khen.
          Trường THCS Lê Lợi liên tục nhiều năm qua đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Năm 2009 được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng bằng Đơn vị văn hóa xuất sắc. Mới đây nhất, năm 2013 trường THCS Lê Lợi đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong các hoạt động giáo dục đào tạo.
          Hiệu quả dạy học, giáo dục cao, thành tích nổi bật xuất sắc của các nhà trường, sự tham gia phối hợp tích cực của các đoàn thể cùng với hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng đã tạo nên sức mạnh tổng hợp làm cho phường Lê Lợi được công nhận phường Tiên tiến xuất sắc về giáo dục nhiều năm liền. Phường Lê Lợi trở thành một trong những đơn vị điển hình của thành phố và của tỉnh về giáo dục - đào tạo.
          Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Đảng ủy, UBND phường Lê Lợi tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập các trường học thuộc phường Lê Lợi mừng trường THCS Lê Lợi đón nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ. Chúng ta cùng ôn lại những tháng ngày gian khó đã qua, vui mừng với các thành tích đạt được và cùng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho chặng đường tiếp theo. Để các nhà trường có được như ngày hôm nay, trước hết là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ủy, HĐND, UBND phường qua các thời kỳ, sự chỉ đạo trực tiếp của Phòng GD-ĐT và các ban ngành thành phố. Xin chân thành cảm ơn các thế hệ cán bộ lãnh đạo phường đã nỗ lực hết sức mình vì sự nghiệp giáo dục, cảm ơn các thế hệ lãnh đạo các nhà trường, các thầy cô giáo đã không quản ngại gian khó chăm lo tận tình giáo dục đem lại sự tiến bộ cho con em địa phương, cảm ơn sự chung sức, đồng lòng đóng góp của các bậc phụ huynh và toàn thể nhân dân vì sự phát triển của các nhà trường.
          Trong thời gian tới, cấp ủy và chính quyền phường Lê Lợi sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo đầu tư, phấn đấu xây dựng các trường Tiểu học và THCS Lê Lợi theo quy hoạch mới đã được UBND tỉnh phê duyệt, phấn đấu xây dựng xong Trường Mầm non Lê Lợi và đưa vào hoạt động. Trường Tiểu học phấn đấu giữ chuẩn mức 2. Trường THCS phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức 2. Vì tương lai con em chúng ta, đề nghị các thầy cô giáo, các nhà trường tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu, uy tín, xứng đáng với những truyền thống tốt đẹp 30 năm qua của 2 trường tốp đầu thành phố. Chúng tôi cũng mong tiếp tục nhận được được sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo và các ban ngành thành phố để sự nghiệp giáo dục phường Lê Lợi phát triển nhanh hơn, giữ vững danh hiệu Phường tiên tiến xuất sắc về giáo dục. 
 
          Thay mặt cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, xin chân thành cảm ơn các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo và các cháu học sinh đã về dự lễ. Kính chúc các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo cùng các cháu học sinh mạnh khỏe, hạnh phúc.
Xin cảm ơn !

Tác giả bài viết: TS. Võ Hoàng Ngọc - 20/11/2013

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 52 trong 12 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 12 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  THĂM DÒ Ý KIẾN

Cảm nhận, đánh giá chung của bạn về giao diện website phiên bản mới?

 NỔI BẬT TRONG THÁNG

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập127
  • Hôm nay31,424
  • Tháng hiện tại804,519
  • Tổng lượt truy cập31,338,927
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây