Hướng dẫn thực hiện Mô hình trường học mới năm học 2017 - 2018 của Sở GD-ĐT Nghệ An

Thứ năm - 12/10/2017 17:35
 
     UBND TỈNH NGHỆ AN                CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO                         Độc lập - Tự do – Hạnh phúc
                                                                                                                                   
 Số: 2028/SGD&ĐT-GDTrH                              Nghệ An, ngày 06 tháng 10 năm 2017
      V/v hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung
triển khai thực hiện mô hình trường học mới
 cấp trung học cơ sở từ năm học 2017-2018
         
 
Kính gửi: Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành, thị.
 
Thực hiện kế hoạch triển khai mô hình trường học mới (THM) cấp THCS năm học 2017-2018, căn cứ công văn hướng dẫn của Bộ GDĐT, tình hình thực hiện của các nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại Công văn số 1654/SGDĐT-GDTrH ngày 16/9/2015, Công văn số 533/SGDĐT-GDTrH ngày 06/4/2016, Công văn số 620/SGDĐT-GDTrH ngày 11/4/2017 của Sở GDĐT như sau:
  1. Công tác truyền thông
Làm tốt hơn nữa công tác truyền thông về mô hình THM để nâng cao
 nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ quản lý, giáo viên, có được sự đồng thuận cao trong phụ huynh và cộng đồng. Nội dung truyền thông tập trung vào một số vấn đề sau đây:
1.1 Nhận thức đúng về chương trình mô hình THM
Mô hình THM thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Nội dung các bài học theo mô hình THM được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, thái độ của Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đồng thời phù hợp việc thực hiện các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực nhằm phát triển năng lực học sinh. Mô hình THM là mô hình nhà trường thực hiện đổi mới đồng bộ các thành tố đảm bảo chất lượng giáo dục trong nhà trường, góp phần phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.
          1.2 Nhận thức đúng về sách Hướng dẫn học theo mô hình THM
Sách Hướng dẫn học theo mô hình THM và sách giáo khoa hiện hành  đều thực hiện cùng một chương trình, cùng một chuẩn kiến thức kỹ năng theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 15/5/2006 của Bộ GDĐT. Điểm khác nhau giữa Sách giáo khoa hiện hành và sách Hướng dẫn học theo mô hình THM là cách biên soạn. Cụ thể: Sách giáo khoa hiện hành viết theo hướng thuyết trình kiến thức, đơn môn, trong mỗi bài học không rõ các hoạt động học của học sinh. Sách Hướng dẫn học theo mô hình THM có sự cấu trúc, sắp xếp lại các nội dung dạy học trong chương trình hiện hành; các bài học được thiết kế theo các chủ đề (môn học/liên môn), thể hiện rõ các hoạt động học của học sinh trong tiến trình dạy học. Nội dung các bài học theo mô hình THM được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo mục tiêu về kiến thức, kĩ năng, thái độ của chương trình hiện hành, đồng thời phù hợp với việc thực hiện các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực nhằm phát triển năng lực học sinh.
Sách Hướng dẫn học theo mô hình THM ghi “Sách thử nghiệm” nghĩa là sách viết theo hướng đổi mới cách thức tổ chức dạy học nhằm hướng tới việc hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất người học chứ không phải là thử nghiệm về chương trình hay kiến thức.
1.3 Công tác chỉ đạo thực hiện mô hình THM trên địa bàn Nghệ An từ
 năm học 2017-2018
- Tiếp tục thực hiện các hoạt động đổi mới giáo dục phổ thông nói chung và mô hình THM nói riêng theo hướng tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới, với phương châm thiết thực, hiệu quả, đảm bảo việc thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Giữ ổn định quy mô trường, lớp, số học sinh thực hiện mô hình THM trong suốt cấp học  trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận của phụ huynh học sinh. Đối với các trường THCS chưa đủ điều kiện áp dụng hoàn toàn mô hình, lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình THM để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm. Các thành tố trong THM bao gồm: Thực hiện phương thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; Đổi mới đánh giá học sinh theo nguyên tắc vì sự tiến bộ của người học; Đổi mới tổ chức lớp học nhằm tăng cường hoạt động học, phát huy tính tích cực, tự lực, tự quản của học sinh; Đổi mới cơ chế quản lý chuyên môn nhằm phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và phát triển chuyên môn liên tục của giáo viên; Xây dựng cơ chế thực hiện thường xuyên và hiệu quả sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong thực hiện các hoạt động giáo dục học sinh.
 - Thực hiện mô hình THM là thực hiện đổi mới đồng bộ các thành tố đảm bảo chất lượng giáo dục trong nhà trường, xây dựng môi trường học tập có tính tham gia và dân chủ, góp phần phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.
2. Vận dụng các thành tố của mô hình THM
2.1 Tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm
- Thực chất của tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm: giáo viên thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động học (Khởi động, Hình thành kiến thức, Luyện tập, Vận dụng, Tìm tòi mở rộng) để học sinh tự lực chiếm lĩnh nội dung học tập, chủ động đạt các mục tiêu kiến thức, kĩ năng, thái độ theo yêu cầu của chương trình; biết vận dụng KT-KN vào giải quyết các tình huống trong học tập và thực tiễn.
- Để tổ chức các hoạt động học cho học sinh, giáo viên cần thiết kế được các nhiệm vụ học tập, phù hợp với mục tiêu bài học, sát với đối tượng học sinh (tăng cường các câu hỏi “Như thế nào?”, “Tại sao?”...). Mỗi nhiệm vụ học tập phải đảm bảo cho học sinh hiểu rõ: yêu cầu, nội dung, cách thức tiến hành và sản phẩm học tập phải đạt. Khi tổ chức dạy học theo nhóm, giáo viên cần linh hoạt lựa chọn các hình thức làm việc như: cá nhân, cặp đôi, nhóm nhỏ, cả lớp để yêu cầu học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập, trong đó cần chú trọng hình thức làm việc cá nhân để giúp học sinh đạt mức độ sâu sắc, vững chắc cần thiết về kiến  thức, kỹ năng.
- Trong quá trình tổ chức các hoạt động học, giáo viên quan sát, phát hiện những khó khăn mà học sinh gặp phải; hỗ trợ kịp thời cho từng học sinh và cả nhóm (cần gợi mở để học sinh tự lực hoàn thành nhiệm vụ; khuyến khích để học sinh hợp tác trong việc giải quyết nhiệm vụ học tập); giao thêm nhiệm vụ cho những học sinh hoàn thành trước nhiệm vụ. 
- Học theo mô hình THM, học sinh cần biết ghi chép kiến thức bài học vào vở ghi bài. Tùy vào đối tượng học sinh để giáo viên có thể lựa chọn/kết hợp hình thức: hướng dẫn học sinh tự ghi chép hoặc chốt kiến thức, kỹ năng để học sinh chính thức ghi nhận. Không “đọc-chép” hay yêu cầu học sinh chép lại toàn bộ nội dung bài học trong tài liệu Hướng dẫn học. Việc ghi chép của học sinh cần thực hiện theo từng nội dung/vấn đề của bài học, giúp học sinh thuận lợi trong việc theo dõi, vận dụng và hệ thống kiến thức.
- Hội đồng tự quản học sinh không làm thay công việc của giáo viên trong các giờ học mà chỉ tổ chức các hoạt động bổ trợ  ngoài giờ lên lớp như: chia sẻ, tìm hiểu các sản phẩm học tập trong “Hoạt động vận dụng” và “Hoạt động tìm tòi mở rộng” của học sinh trong lớp theo yêu cầu của giáo viên và một số hoạt động khác.
- Cần sử dụng hợp lý phòng học bộ môn, thiết bị dạy học, học liệu và các công cụ hỗ trợ trong lớp học. Giáo viên sử dụng bảng để ghi những nội dung cơ bản, cốt lõi của bài học; những gợi ý hướng dẫn của giáo viên; những kết quả hoạt động học của học sinh; không nên ghi lại các phiếu học tập khi nội dung đã có trong sách Hướng dẫn học.
2.2 Đổi mới đánh giá học sinh theo nguyên tắc vì sự tiến bộ của người học
Hướng dẫn đánh giá học sinh theo mô hình THM được thực hiện theo Công văn số 4669/BGDĐT-GDTrH ngày 10/9/2015, Công văn số 1392/BGDĐT-GDTrH ngày 05/4/2017 của BGDĐT, theo đó yêu cầu:
- Trong quá trình dạy học, giáo viên cần quan tâm việc đánh giá thường xuyên đối với học sinh dưới dạng nhận xét trước hết bằng lời nói; trong mỗi giờ học giáo viên cần ghi nhận xét, đánh giá vào vở học/sản phẩm học tập của một số học sinh và luân phiên để mỗi học sinh đều được ghi nhận xét, đánh giá trong mỗi học kì. Trong đánh giá, không so sánh học sinh này với học sinh khác, chú ý đánh giá sự tiến bộ đối với bản thân mỗi học sinh.
- Các bài kiểm tra định kì được tham gia tính kết quả đánh giá cuối học kì và cuối năm học. Mỗi môn học chỉ có một bài kiểm tra giữa kì, học kì. Bài kiểm tra định kì đối với môn Khoa học tự nhiên hoặc môn Khoa học xã hội được bố trí thành một bài kiểm tra bao gồm các phân môn theo quy định. Tỷ lệ số câu hỏi, bài tập trong đề kiểm tra phù hợp với nội dung phân môn đã học tính đến thời điểm kiểm tra.
- Điểm số các bài kiểm tra giữa kì, điểm số các bài kiểm tra học kì  được ghi vào Sổ đánh giá học sinh. Hồ sơ đánh giá học sinh (Sổ đánh giá, Học bạ) thực hiện như ấn phẩm phát hành năm học 2017-2018 của Công ty CPTBTH Nghệ An đã được điều chỉnh theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
- Cuối học kì/cuối năm học, giáo viên bộ môn cần có nhận xét về thành tích nổi bật hoặc những điều cần lưu ý trong học tập và rèn luyện của học sinh (nếu có), chuyển cho giáo viên chủ nhiệm, làm cơ sở cho việc nhận xét, đánh giá học sinh; thực hiện lưu hồ sơ đánh giá và thông tin với phụ huynh.
2.3 Đổi mới tổ chức lớp học
Xác định rõ việc đổi mới tổ chức lớp học nhằm tăng cường hoạt động học, phát huy tính tích cực, tự lực, tự quản của học sinh. Vì vậy:
- Việc bố trí thành các nhóm học sinh trong một lớp là để thực hiện các nhiệm vụ học tập theo nhóm. Không cứng nhắc trong việc bố trí bàn ghế ngồi theo nhóm. Mỗi bàn học có thể trở thành 1 nhóm.
- Trang trí lớp học trong THM là nhằm tăng cường công cụ hỗ trợ hoạt động học của học sinh. Tùy vào không gian lớp học để lựa chọn một số nội dung trang trí. Ví dụ: “Góc học tập” là nơi để học sinh chia sẻ các sản phẩm học tập của mình, nhất là sản phẩm của “Hoạt động vận dụng” và “Hoạt động tìm tòi mở rộng”;  “Góc thư viện” là nơi để học sinh hoặc cha, mẹ học sinh tự nguyện góp những cuốn sách phù hợp với chương trình học tập của học sinh. Việc trang trí  cần phải được giao và hướng dẫn học sinh tự thực hiện, tuyệt đối không làm thay hoặc thu tiền để mua hoặc thuê người khác làm.
- Cần có nhiều biện pháp giúp học sinh nâng cao ý thức trong việc trang trí, bảo quản và sử dụng không gian lớp học.
2.4 Đổi mới cơ chế quản lý chuyên môn
- Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các nhà trường thông qua việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học/HĐGD; mức độ đổi mới hoạt động giáo dục; chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục…
- Đổi mới nội dung sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn (trong trường/cụm trường) theo hướng dẫn tại Công văn số 1656/SGDĐT-GDTrH ngày 25/8/2017 của Sở GDĐT về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Trung học năm học 2017-2018. Tăng cường tổ chức sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn thông qua dự giờ, rút kinh nghiệm, chú trọng sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, từ đó trao đổi sâu về kế hoạch dạy học, cách thức tổ chức hoạt động dạy học...
- Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học: coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học  ở nhà; tăng cường các hoạt động TNST, tổ chức dạy học gắn liền di sản, với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở địa phương.
- Trước khi lên lớp giáo viên cần  phải chuẩn bị bài dạy, xác định thiết bị dạy học, dự kiến tình huống lên lớp, điều chỉnh các hoạt động khi thấy cần thiết, bổ sung thông tin cho phù hợp với đối tượng học sinh. Những nội dung này được ghi chép vào “Sổ tay lên lớp” của giáo viên.
- Không bố trí giáo viên chưa tham gia tập huấn về THM làm công tác chủ nhiệm, giảng dạy các lớp mô hình THM; không kiểm tra “Sổ tay lên lớp” của giáo viên, không xếp loại giờ dạy của giáo viên khi giáo viên không có nhu cầu xếp loại.
2.5 Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng.
- Cần xác định rõ các nội dung/vấn đề mà gia đình, cộng đồng tham gia và tham gia được, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, nhà trường, lớp học trong quá trình triển khai mô hình THM, như: nội dung, mức độ, cách thức hỗ trợ của gia đình, cộng đồng đối với một số nhiệm vụ học tập của học sinh; xây dựng phương thức giáo dục đối với những học sinh có thành tích nổi bật hoặc những điều cần lưu ý trong học tập và rèn luyện; hỗ trợ học sinh trong vấn đề trang trí lớp học... Có thể mời phụ huynh học sinh đến dự giờ, thăm lớp; chia sẻ các sản phẩm học tập điển hình của học sinh.
- Quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh qua nhiều hình thức. Cách thức liên hệ với phụ huynh cần linh hoạt, có thể sử dụng email, tin nhắn, sổ liên lạc điện tử...sau khi đã thống nhất với phụ huynh.
3. Thực hiện các nhiệm vụ đổi mới chuyên môn trong mô hình THM
3.1 Xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực
 - Căn cứ Khung phân phối chương trình các môn học/HĐGD mô hình THM do Bộ GDĐT ban hành hàng năm, căn cứ tình hình thực tế, các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục đảm bảo đủ thời lượng dạy học (cả dạy học tự chọn); có đủ thời lượng dành cho luyện tập, ôn tập, thực hành, kiểm tra định kỳ, đảm bảo thời điểm kết thúc học kỳ I, kết thúc năm học thống nhất theo Kế hoạch thời gian của năm học và khung phân phối chương trình của Bộ.
- Được phép điều chuyển số tiết kiểm tra định kỳ, số tiết dự phòng giữa 2 học kì để đảm bảo đủ thời lượng cho kiểm tra giữa kì và kiểm tra cuối học kì.
3.2  Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học
- Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học dù sử dụng sách giáo truyền thống hay sách Hướng dẫn học đều được thể hiện thông qua việc tổ chức các hoạt động học cho học sinh.
- Khi thực hiện, giáo viên cần lựa chọn và sử dụng các phương pháp, phương tiện và kỹ thuật dạy học một cách linh hoạt, hợp lý; sử dụng hệ thống câu hỏi, bài tập, nhiệm vụ học tập phù hợp với các đối tượng học sinh; chú trọng rèn luyện cho học sinh những tri thức phương pháp để học sinh biết cách đọc sách giáo khoa, tài liệu, phát hiện kiến thức mới, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết tình huống.
Khuyến khích giáo viên, học sinh tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia Cuộc thi KHKT và các cuộc thi do Bộ tổ chức gắn liền với đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Khuyến khích tổ chức các hoạt động TNST; các hoạt động văn hóa- văn nghệ,  thể dục- thể thao; các hội thi năng khiếu; các hoạt động giao lưu trên cơ sở tự nguyện của nhà trường, cha mẹ học sinh nhằm góp phần phát triển năng lực của học sinh.
-  Chú trọng dạy học sát đối tượng, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Tạo nhiều sân chơi bổ ích để học sinh được phát huy năng lực, khắc phục hạn chế.
 3.3 Dạy học theo chủ đề
 Các bài học theo mô hình THM đã được thiết kế thành các chủ đề. Vì vậy, giáo viên không phải xây dựng thêm các chủ đề mà chỉ tổ chức dạy học theo các chủ đề/bài học có sẵn. Khi tổ chức thực hiện, tổ/nhóm chuyên môn cần tập trung lựa chọn bài, đề xuất thay đổi các nhiệm vụ học tập (nếu cần thiết), xây dựng hệ thống câu hỏi/bài tập tương ứng, sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, phù hợp với đặc điểm tình hình và trình độ học sinh.
3.4 Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học (NCBH)
Tăng cường hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo hướng NCBH. Khi thực hiện cần lưu ý một số vấn đề như: việc thay thế học liệu/ngữ liệu/bài tập/nhiệm vụ; dự kiến các tình huống dạy học; dự kiến tình huống cần hỗ trợ và cách hỗ trợ của giáo viên; cách thức giúp học sinh chủ động, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ và hợp tác trong thực hiện nhiệm vụ học tập…
3.5 Đổi mới kiểm tra và đánh giá
Tổ/nhóm chuyên môn thảo luận, thống nhất ma trận đề kiểm tra cho các bài kiểm tra định kỳ. Đề kiểm tra bao gồm các câu hỏi, bài tập (tự luận hoặc trắc nghiệm) theo 4 mức độ yêu cầu: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng, Vận dụng cao. Căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và tình hình thực tế của học sinh, các tổ nhóm chuyên môn xác định tỉ lệ cho từng mức độ trong các bài kiểm tra trên nguyên tắc đảm bảo sự phù hợp với đối tượng học sinh và tăng dần tỉ lệ các câu hỏi, bài tập ở mức độ vận dụng, vận dụng cao (khoảng 50 - 60%) cho các mức nhận biết và thông hiểu; 40-50% cho vận dụng và vận dụng cao). Tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn.
 Từng bước kết hợp một cách hợp lí giữa hình thức kiểm tra tự luận với kiểm tra trắc nghiệm khách quan để học sinh tiếp cận với hình thức thi tuyển sinh vào lớp 10.
3.6 Phê duyệt kế hoạch thực hiện mô hình THM năm học 2017-2018 và những năm tiếp theo
  Phòng GDĐT phê duyệt kế hoạch triển khai mô hình THM của các trường THCS trực thuộc, Sở GDĐT phê duyệt kế hoạch triển khai mô hình THM của các phòng GDĐT.
          Sở GDĐT đề nghị các phòng GDĐT phổ biến và chỉ đạo thực hiện Công văn này đến tất cả cán bộ quản lý, giáo viên triển khai mô hình trường học mới.
Nơi nhận: 
- Như kính gửi (để t.h);
- Ban Giám đốc (để b/c);
-UBND huyện, thành, thị (để biết);
- Lưu: VT, GDTrH ./.                                                                        
                             KT. GIÁM ĐỐC
                             PHÓ GIÁM ĐỐC
 
                                       (đã kí)
 
                              Nguyễn Hoàng
 
 
 
 
 

Nguồn tin: Sở GD-ĐT Nghệ An:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn cần  
/
 để chia sẽ thông tin,ý kiến ...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  THĂM DÒ Ý KIẾN

Cảm nhận, đánh giá chung của bạn về giao diện website phiên bản mới?

 NỔI BẬT TRONG THÁNG

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập174
  • Hôm nay4,239
  • Tháng hiện tại509,378
  • Tổng lượt truy cập24,165,107

  DỊCH VỤ QUAN TÂM

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây