Thực trạng dạy học Tiếng Pháp tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Vinh và một số biện pháp khắc phục

Thứ năm - 24/01/2013 19:22
Tiếng Pháp đã từng quen thuộc ở Việt Nam trong quá khứ và rất cần cho sự phát triển của Việt Nam hiện tại và tương lai.... Trân trọng giới thiệu với các bạn toàn văn Tham luận của TS. Võ Hoàng Ngọc tại Hội thảo quan hệ Việt - Pháp do Hội hữu nghị Việt - Pháp tỉnh Nghệ An tổ chức vào ngày 19 - 01 - 2013
THỰC TRẠNG DẠY HỌC TIẾNG PHÁP TẠI CÁC TRƯỜNG THCS
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ VINH VÀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC
                                                          
                                     TS. Võ Hoàng Ngọc – Hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi
                                    Nguyên hiệu trưởng trường THCS Đặng Thai Mai – TP Vinh
 
            Tiếng Pháp - một ngôn ngữ lớn trên thế giới. Tiếng Pháp đã từng quen thuộc ở Việt Nam trong quá khứ và rất cần cho sự phát triển của Việt Nam hiện tại và tương lai. Rất nhiều người nhận thấy điều đó và mong mỏi Tiếng Pháp phát triển, nhưng việc dạy học Tiếng Pháp trong các trường THCS thì lại không ổn định, quy mô đã và đang thu hẹp dần. Tại sao như vậy ? Giải quyết tình trạng đó như thế nào để Tiếng Pháp có vị trí xứng tầm trong các nhà trường phổ thông và thực sự góp phần phát triển đất nước ?
 
           1. Thực trạng dạy học Tiếng Pháp tại các trường THCS của thành phố Vinh.
           Trên địa bàn thành phố Vinh ở cả bậc THPT và THCS, những năm từ 1976 – 1990, đồng thời với sa sút của Tiếng Trung, rồi Tiếng Nga, chúng ta đã chứng kiến sự tụt giảm liên tiếp đến mức thảm hại của việc dạy học Tiếng Pháp. Các lớp học Tiếng Pháp có lúc đã mất hẳn, hầu hết giáo viên Tiếng Pháp đã phải chuyển sang dạy các môn khác, làm việc khác.
           Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, nhất là năm học 1994-1995 khi các chương trình, dự án hỗ trợ dạy học Tiếng Pháp đến với thành phố thì việc dạy học Tiếng Pháp bắt đầu khởi sắc trở lại với hàng loạt lớp học Tiếng Pháp ra đời tại các trường Tiểu học Cửa Nam, Lê Lợi, THCS Lê Mao, Lê Lợi, Cửa Nam, rồi dự kiến sẽ ra đời ở THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Huy Tập. Cho đến những năm 2002 – 2004, khi kinh phí hỗ trợ dự án đang còn thì tại các trường này, quy mô dạy học Tiếng Pháp được duy trì khá ổn định. Hai trường tiểu học Lê Lợi và Cửa Nam có hệ thống các lớp học Tiếng Pháp từ lớp 1 đến lớp 5, mỗi khối 2 lớp, mỗi lớp trên dưới 30 học sinh, học chương trình 10-12 giờ/tuần, ở lớp 4 và 5 còn học song ngữ Pháp – Việt môn Khoa học. Hai trường THCS Lê Mao và Cửa Nam có đến một nửa số lớp (khoảng 12-15 lớp/30-32 lớp toàn trường) từ lớp 6 đến lớp 9 dạy học Tiếng Pháp theo chương trình phổ thông 3tiết/tuần. Tại trường THCS Lê Lợi bên cạnh 18 lớp 6,7,8,9 học Tiếng Pháp chương trình phổ thông 3 tiết/tuần còn có hệ thống 8 lóp dự án (mỗi khối 2 lớp), mỗi lớp 30-32 học sinh học Tiếng Pháp chương trình 7tiết/tuần có học song ngữ Việt - Pháp môn Toán. Tại 2 trường Tiểu học Lê Lợi, Cửa Nam và trường THCS Lê Lợi, giáo viên dạy các lớp Tiếng Pháp được dự án trả thêm phụ cấp khá cao. Hằng năm, một số cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh các lớp Tiếng Pháp của các trường đã nêu trên được phía bạn cấp kinh phí, tổ chức đi tham quan, học tập ở Pháp. Các trường này cũng được Hội hữu nghị Pháp – Việt tỉnh Côtes d’Armor hỗ trợ nhiều về tài liệu dạy học Tiếng Pháp, mỗi trường được tặng 1 máy photocopi, 1 máy chiếu phim quay tay và 4-5 caxet phục vụ dạy học Tiếng Pháp. Giai đoạn này, trò phấn khởi học Tiếng Pháp, phụ huynh kỳ vọng vào tương lai, giáo viên Tiếng Pháp có nhiều việc để làm đúng chuyên môn của mình.
           Từ năm 2002 trở về sau, khi Cộng hòa Pháp ngừng hỗ trợ kinh phí và chuyển giao dự án triển khai dạy học Tiếng Pháp cho phía Việt Nam tiếp tục thực hiện thì quy mô tổ chức dạy học Tiếng Pháp lại tụt giảm nghiêm trọng. Tại 2 trường Tiểu học Lê Lợi và Cửa Nam mỗi khối đến nay chỉ còn 1 lớp Tiếng Pháp với sĩ số từ 21 – 30 học sinh. Tại THCS Lê Mao đến năm học 2005 - 2006 kết thúc 2 lớp Pháp cuối cùng và chính thức xóa sổ Tiếng Pháp. Tại THCS Cửa Nam đến nay số lớp Tiếng Pháp phổ thông 3tiết/tuần chì còn duy trì mỗi khối 1 lớp, sĩ số mỗi lớp tụt dần từ 30 xuống dưới 20 học sinh (có khối không có học sinh). Tại THCS Lê Lợi cũng tương tự. Đến năm học 2005 - 2006 chấm dứt hệ lớp Tiếng Pháp phổ thông 3tiét/tuần. Quy mô lớp dự án Tiếng Pháp 7tiết/tuần giảm xuống hiện nay mỗi khối còn 1 lớp với sĩ số 24 - 26 học sinh, đông nhất là lớp 6 được 32 học sinh. Chuyển dự án sang Việt Nam phụ trách thì cũng kết thúc việc trả thêm phụ cấp cho giáo viên dạy các lớp Tiếng Pháp, quy mô sụt giảm, giáo viên Tiếng Pháp lại dôi dư và chuyển sang dạy Thể dục, giáo dục công dân, … để duy trì chế độ lương. Sự qua lại nắm tình hình, chỉ đạo phối hợp của Hội hữu nghị và sự giúp đỡ của các tình nguyện viên Tiếng Pháp vẫn được duy trì nhưng mật độ có giảm đi so với trước.
           Trong một nỗ lực thực hiện triển khai dạy học 2 ngoại ngữ, dưới sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT Nghệ An và Phòng GD&ĐT Vinh, từ năm 2009 trường THCS Đặng Thai Mai tổ chức mỗi khối 1 lớp dạy học Tiếng Pháp ngoại ngữ 1 (3tiết/tuần) + Tiếng Anh ngoại ngữ 2 (2 tiêt/tuần). Việc tổ chức lớp Tiếng Pháp đã gặp muôn vàn khó khăn từ phía phụ huynh và cả các đồng nghiệp không cùng quan điểm. Kiên trì với định hướng, đến năm học 2012 – 2013, tại THCS Đặng Thai Mai đã có đủ hệ thống lớp Tiếng Pháp từ lớp 6 đến lớp 9 mối khối 1 lớp với sĩ số mối lớp từ 29 - 43 học sinh đều thuộc loại giỏi và khá vững. Trên bức tranh chung ảm đạm đó, năm học 2012 – 2013 tại 2 trường tiểu học Lê Lợi và Cửa Nam số học sinh đăng ký vào lớp 1 Tiếng Pháp vẫn 1 lớp nhưng sĩ số 39 – 40 em là dấu hiệu đặc biệt có vẻ tốt lên.
          Ở bậc THPT ngoài THPT Phan Bội Châu có lớp chuyên Pháp thì chỉ có trường THPT dân lập Nguyễn Trường Tộ duy trì Tiếng Pháp nhưng nay cũng đã chấm dứt, còn THPT Huỳnh Thúc Kháng chỉ thực hiện được vài ba năm rồi dừng khiến cho việc học lên của học sinh có học Tiếng Pháp rất khó khăn.
          Về trang thiết bị phục vụ dạy học Tiếng Pháp ở các trường đã nêu trong gần 20 năm qua có tiến bộ nhưng chưa có bước đột phá nào đáng kể. Từ những năm 1994 – 1995 sau khi được hỗ trợ mỗi trường 1 máy photocopi, 1 máy chiếu quay tay, 4-5 caxet thì đến nay thiết bị chuyên dụng dạy học Tiếng Pháp chưa có gì thêm. Tại THCS Đặng Thai Mai, từ 2008 đến 2010, với nỗ lực đưa Tin học vào nhà trường đã lắp được 1 phòng máy đa năng 32 máy vi tính, 5 máy chiếu Projector vào phòng chuyên dụng, năm học 2011 - 2012, nhờ dự án hỗ trợ dạy học Tiếng Anh mà có thêm 1 phòng LAB với 24 máy tính, nhưng việc tận dụng hỗ trợ cho Tiếng Pháp vẫn chẳng được bao nhiêu vì công suất cần cho Tiếng Anh và các môn khác quá lớn. Tại THCS Lê Lợi và Cửa Nam vẫn dạy học Tiếng Pháp tại phòng học bình thường có caxet như cách đây 13-14 năm. Tại 2 trường tiểu học Lê Lợi, Cửa Nam số máy vi đã tính tăng mạnh nhưng cũng không được thiết kế hỗ trợ dạy học Tiếng Pháp. 
          Đội ngũ giáo viên dạy Tiếng Pháp đã được cải thiện khá nhiều về chất lượng do thành phố đã ưu tiên chọn giáo viên dạy giỏi về cho các trường. Việc tổ chức thi học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi Tiếng Pháp THCS được ngành duy trì thể hiện sự tôn trọng bộ môn đã phần nào có tác động duy trì phong trào dạy học Tiếng Pháp. Tuy vậy, tình trạng quy mô trồi trụt, thất thường, công việc không ổn định đang không ngừng làm giảm hy vọng, nhiệt tình nghề nghiệp của các thầy cô giáo dạy Tiếng Pháp. Trước đây các trường hợp đồng các thầy giáo về hưu thành thạo Tiếng Pháp từ thời Pháp thuộc để dạy song ngữ, nhưng nay các thầy đều đã ngoài 85 tuổi.Việc tìm giáo viên trẻ dạy song ngữ Pháp – Việt các môn khoa học rất khó khăn, dạy tốt Tiếng Pháp thì bất cập về các môn khoa học và có giáo viên dạy được môn khoa học có biết Tiếng Pháp thì cũng chỉ là bập bõm, không đủ tự tin để dạy song ngữ.
 
           2. Nguyên nhân của tình trạng sa sút, không ổn định của việc dạy học Tiếng Pháp.
           Có thực trạng trên theo chúng tôi do các nguyên nhân sau đây:
           Thứ nhất: Một ngôn ngữ sẽ phát triển trên một quốc gia khác khi sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, du lịch, … cần đến nó. Theo lẽ tự nhiên, Tiếng Pháp sẽ phát triển theo nhu cầu xã hội, sẽ tỷ lệ với quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, du lịch, … giữa Việt Nam và Công hòa Pháp. Xét trên bình diện cả nước cũng như xét riêng cho thành phố Vinh, quan hệ Việt - Pháp khá mạnh về văn hóa, du lịch, còn quan hệ về giáo dục, chính trị chưa mạnh. Quan hệ kinh tế - yếu tố có ý nghĩa tác động mạnh nhất đến việc phát triển Tiếng Pháp thì quan hệ Việt – Pháp đứng sau nhiều quốc gia khác. Một bộ phận nhỏ người dân thành phố Vinh có nhu cầu cho con theo học Tiếng Pháp để hy vọng có thể du học Pháp, theo học nghề Dược, làm hướng dẫn viên du lịch Tiếng Pháp, … Nhu cầu học Tiếng Pháp để phục vụ hoạt động các kinh tế khác gần như không có.
           Thứ hai: Mặc dù chưa có nhu cầu tự nhiên, nhưng nhìn về tương lai, một ngôn ngữ nào đó cần cho sự phát triển của đất nước, nếu nhà nước quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thì nó sẽ tồn tại, phát triển. Sự quan tâm phát triển Tiếng Pháp của một địa phương phải được cụ thể hóa trong chiến lược phát triển, xác định rõ ràng quy mô, định lượng trong kế hoạch đầu tư, trong các văn bản chỉ đạo ngành giáo dục, các địa phương cấp dưới và các ngành liên quan. Ngành giáo dục phải tham mưu cấu trúc, quy mô phát triển Tiếng Pháp các bậc học có tính khả thi, tham mưu kinh phí cần để đầu tư thiết bị tiên tiến, kinh phí động viên khuyến khích dạy, khuyến khích học và phải kiên quyết chỉ đạo thực hiện bằng được kế hoạch phát triển. Tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh có quan tâm phát triển Tiếng Pháp, nhưng chưa đủ mạnh. Do nhu cầu tự nhiên của quan hệ kinh tế, xã hội, Tiếng Anh tự nó đã đủ sức phát triển. Tiếng Pháp đang rất khó khăn để tồn tại mà chúng ta quan tâm đầu tư Tiếng Pháp ở mức độ cũng như Tiếng Anh, khi Cộng hòa Pháp thôi tài trợ, chúng ta không chi một ít tiền để duy trì, định mức các khoản chia xuống Tiếng Pháp cũng như Tiếng Anh (thậm chí thua), trang thiết bị dạy học Tiếng Pháp không có gì, để cho nhà trường, phụ huynh tự lo và để nó tự phát triển thì sự sút kém, tàn lụi là không thể tránh khỏi. Sự loay hoay, chỉ đạo thiếu kiên quyết, đứt quãng dẫn đến sau gần 20 năm, chúng ta không tạo lập được một hệ thống lớp học Tiếng Pháp phổ thông liên thông 3 cấp học, khi học hết Tiểu học, cửa học lên THCS đã hẹp, cửa học lên THPT lúc đóng, lúc mở (cơ bản là đóng) thì làm sao mà học sinh an tâm theo học Tiếng Pháp được.
          Thứ ba: Học sinh có ham học Tiếng Pháp hay không cũng còn tủy thuộc vào giáo viên dạy có tốt không, có kích thích được đam mê bộ môn, có nhiệt tình động viên giúp dỡ các em hay không. Sự ra đời, tồn tại của hệ thống lớp học Tiếng Pháp trong một cơ sở giáo dục còn phụ thuộc vào hiểu biết, nhiệt tình, ý chí vượt qua khó khăn của người đứng đầu nhà trường. Giáo viên Tiếng Pháp nào cũng muốn bộ môn mình tồn tại, phát triển, hầu hết đều nỗ lực hết mình dạy dỗ, động viên học sinh. Nhưng không phải hiệu trưởng nào cũng muốn thêm Tiếng Pháp và muôn duy trì Tiếng Pháp trong trường mình. Thêm sự phức tạp trong phân công chuyên môn, trong tổ chức dạy học, trong xét duyệt kết quả, trong bố trí thi vượt cấp, trong việc giải thích với phụ huynh, … mà lại hầu như không có thêm lợi ích gì cho cá nhân khi không còn kinh phí đầu tư của dự án đã khiến cho hầu hết hiệu trưởng mệt mỏi. Có hiệu trưởng nhân sự sút kém khi hết đầu tư, đã cổ súy thôi tuyển sinh Tiếng Pháp và sau đó là đề xuất xóa sổ hệ lớp Tiếng Pháp.
           Thứ tư: Mặc dù chỉ đóng vài trò gián tiếp, cầu nối nhưng hoạt động của Hội hữu nghị Việt – Pháp, của các tình nguyện viên, của các học sinh người Pháp, của các giáo viên Trung tâm Pháp ngữ cũng có tác động quan trọng. Sự hiện hữu của các thành viên người Pháp không chỉ tạo không khí khác lạ mà còn là cơ hội đặc biệt, hiếm hoi để giao lưu nghe, nói trực tiếp với người bản địa. Sau giai đoạn có kinh phí đầu tư dự án thì sự qua lại, tổ chức các hoạt động giao lưu cũng giảm nhiệt. Một học kỳ chỉ còn 1- 2 lần tình nguyện viên thăm viếng, nội dung cũng thu hẹp. Tất nhiên ở đây còn có nguyên nhân nhà trường thiếu chủ động liên hệ nhờ hỗ trợ, phối hợp xây dựng chương trình giao lưu.
 
            3. Một số biện pháp để tăng cường dạy học Tiếng Pháp
           Từ các nguyên nhân trên có thể thấy, để phát triển dạy học Tiếng Pháp cần phải:
            Thứ nhất: Tỉnh Nghệ An, thành phố Vinh cần đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, du lịch với Cộng hòa Pháp, với tỉnh Côtes d’Armor và thành phố Tours. Nên tạo điều kiện, đầu tư thành lập các cơ sở chuyên doanh các loại hàng hoá của Cộng hoà Pháp mà dân có nhu cầu, khuyến khích mở rộng dịch vụ du lịch với Cộng hoà Pháp. Khi các quan hệ kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch phát triển đi vào thực chất thì nhu cầu sử dụng Tiếng Pháp sẽ tăng lên, tạo nhu cầu tự nhiên cần học Tiếng Pháp.
            Thứ hai: Tỉnh, thành phố phải dự báo được ít nhất 20 năm tới xu hướng phát triển quan hệ Việt - Pháp, mức độ phát triển quan hệ Việt - Pháp của địa phương trên các lĩnh vực, các khu vực, số người cần biết Tiếng Pháp ở mức độ phổ thông, mức độ chuyên sâu ở các ngành, các cơ quan chức năng để xây dựng chiến lược, quy hoạch, định hướng, quy mô đầu tư phát triển Tiếng Pháp và chỉ đạo ngành giáo dục, các địa phương và các ngành liên quan kiên quyết thực hiện để tạo lập, ổn định hệ thống Tiếng Pháp.
Sở, Phòng GD-ĐT phải tham mưu giúp tỉnh, thành phố xác định hệ thống trường, lớp học Tiếng Pháp liên thông 3 cấp học hợp lý trên địa bàn tỉnh, sao cho học sinh học lên thuận lợi, liên tục về Tiếng Pháp, hạn hữu phải chuyển đổi sang Tiếng Anh, nhưng luôn có Tiếng Anh song song dự phòng. Tại thành phố Vinh hằng năm UBND tỉnh, Sở GD&ĐT cần phải dành chỉ tiêu tuyển sinh ít nhất 1 lớp 10 Tiếng Pháp cho 1 trường THPT công lập (Huỳnh Thúc Kháng hoặc Hà Huy Tập), học sinh có Tiếng Pháp thi tuyển THPT chỉ cần đạt bình quân 5 điểm/môn là được nhận vào lớp Tiếng Pháp, lớp Tiếng Pháp chỉ được vài chục em cũng kiên quyết duy trì để thành hệ thống liên tục từ lớp 10 đến hết lớp 12.  Ưu tiên phát triển hệ Tiếng Pháp tiểu học 10 tiếng/tuần, THCS học 7 tiết/tuần, đầu tư giáo viên đạt trình độ chuẩn (như kiểu chuẩn châu Âu Tiếng Anh) để sau khi học xong chương trình phổ thông học sinh thực sự giao tiếp được Tiếng Pháp. Đề xuất ưu tiên đầu tư để duy trì và phát triển Tiếng Pháp thể hiện bằng kế hoạch cụ thể: Xây dựng định mức đầu tư ngân sách cho trường có Tiếng Pháp phải cao hơn định mức bình quân chung; Đầu tư mỗi trường có dạy học Tiếng Pháp 1 phòng LAB, 1 máy chiếu Projector, 5 caxet đủ phục vụ dạy học; Có phụ cấp khuyến khích thêm cho giáo viên dạy Tiếng Pháp và cán bộ quản lý trường có dạy Tiếng Pháp; Thưởng khuyến khích các phong trào phát triển Tiếng Pháp; Cấp học bổng cho học sinh giỏi Tiếng Pháp;
          Thứ ba: Chọn hiệu trưởng có năng lực, nhiệt tình và giao trách nhiệm duy trì, phát triển Tiếng Pháp khi bổ nhiệm hiệu trưởng mới về trường có Tiếng Pháp. Tạo điều kiện cho hiệu trưởng trường có Tiếng Pháp nâng cao hiểu biết về cách thức tổ chức dạy học Tiếng Pháp, về nước Pháp và nền văn hóa Pháp, được giao lưu, học tập, tham quan Công hòa Pháp. Có chế độ khuyến khích cần thiết đối với cán bộ quản lý trường có Tiếng Pháp và luân chuyển đi trường khác nếu nhận thức không đúng, thiếu quan tâm duy trì, phát triển Tiếng Pháp. Hiệu trưởng, lãnh đạo các trường có Tiếng Pháp phải thực sự quan tâm phát triển Tiếng Pháp, tổ chức dạy học tốt Tiếng Pháp, có biện pháp động viên, khuyến khích giáo viên dạy tốt, học sinh học tốt, làm yên lòng phụ huynh.
         Thứ tư: Hội hữu nghị Việt – Pháp, các tình nguyện viên, Trung tâm Pháp ngữ cần chủ động, nỗ lực giúp các trường có Tiếng Pháp tổ chức các chương trình giao lưu hữu ích để tuyên truyền văn hóa Pháp, giúp học sinh có thêm hứng khởi học Tiếng Pháp, rèn kỹ năng nghe, nói Tiếng Pháp. Hội hữu nghị Việt – Pháp cần giúp các trường có Tiếng Pháp tìm kiếm, thiết lập, duy trì quan hệ kết nghĩa với trường phổ thông của Pháp, hỗ trợ tạo lập quan hệ giao lưu, hỗ trợ tìm kiếm các nguồn tài trợ trang thiết bị, học bổng, …. Ban giám hiệu, giáo viên các nhà trường có Tiếng Pháp cần chủ động liên hệ Hội hữu nghị Việt – Pháp, các tình nguyện viên, Trung tâm Pháp ngữ để nhờ hỗ trợ và phối hợp xây dựng chương trình giao lưu hợp lý, duy trì quan hệ các trường kết nghĩa để hỗ trợ dạy học. Hội hữu nghị Pháp – Việt cần cung cấp danh sách, thông tin về các trường đại học, THPT ở Cộng hoà Pháp có nhận học sinh Việt Nam du học, các điều kiện, thủ tục nhận học sinh du học để các trường Tiểu học, THCS có Tiếng Pháp giới thiệu với phụ huynh, học sinh được biết và có định hướng chuẩn bị sớm.
 
                                                                                                                 Vinh, ngày 09 tháng 01 năm 2013

Tác giả bài viết: TS. Võ Hoàng Ngọc

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 31 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 4.4 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  THĂM DÒ Ý KIẾN

Cảm nhận, đánh giá chung của bạn về giao diện website phiên bản mới?

 NỔI BẬT TRONG THÁNG

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập193
  • Hôm nay22,397
  • Tháng hiện tại795,492
  • Tổng lượt truy cập31,329,900
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây