Bàn về sách “Bồi dưỡng và luyện thi vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn” của tác giả Hà Lê

Thứ hai - 29/09/2014 14:01
Vẫn là sách “Bồi dưỡng và luyện thi…” sai bét bán cho học sinh

    Bởi sự hấp dẫn kiếm tiền nhanh, đầu tư ít, không phải nạp bất cứ một loại thuế nào, không ai kiểm soát chất lượng, viết đơn giản (lược sắp những kiến thức trong sách giáo khoa, thêm vào một số ý kiến chủ quan hoặc cóp nhặt của người khác), nhờ vị thế “thầy của thầy” in ấn, bán cho học sinh nên dù dư luận hết năm này qua năm khác có nổi sự bất bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo có không cho phép thì sách này vẫn cứ ngang nhiên được rao bán!
 
          Tôi xin dẫn ngay bằng chứng: cuốn sách “Bồi dưỡng và luyện thi vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn” của tác giả Hà Lê – Nhà xuất bản Đại học Sư phạm – 2014 đã được bán cho học sinh lớp 9 trên địa bàn tỉnh Nghệ An với giá 28.000 đồng/1 cuốn. Đây là một cuốn sách có quá nhiều chỗ sai kiến thức.
 
          I. Những chỗ sai kiến thức:
          I.1- Phần được trích dẫn nhiều chỗ sai:
          - “…bếp lửa chờn vờn trong sương sớm” (dòng 5 – trang 38 – Sách “Bồi dưỡng và Luyện thi…”; xin được viết tắt là: (dg… - tr…- SBd).
          * Trích đúng: “…bếp lửa chờn vờn sương sớm” (dòng 4 – trang 143 – Sách Ngữ văn 9 – Tập 1; xin được viết tắt là: (dg… - tr…- Nv9-T1).
          - “Cháu ở với bà, bà bảo cháu nghe” (dg 6 – tr 40 – SBd).
          * Trích đúng: “Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe” (dg 7 – tr 144 – Nv9-T1).
          - “Đất còn nghèo đời tiếp tục khẩn trương
              Bạn bè cũ về đây gần đủ mặt
              Không tránh khỏi những anh rẽ ngoặt
               Lòng đang phai màu áo đỏ chiến hào.
                                      (Bùi Minh Quốc)” (dg 16 đến 20 – tr 43 – SBd).
          * Trích đúng: “Đất nước còn nghèo, đời tiếp tục khẩn trương
                                 Đồng đội cũ về đây gần đủ mặt
                                 Không tránh khỏi có những người rẽ ngoặt
                                 Lòng đang phai màu máu đỏ chiến hào.”
                                      (Bùi Minh Quốc, Đôi mắt nhìn tôi).
          - “sương mù bốn mùa bao phủ lạnh lẽo, âm u”. (dg 22 – tr 49 – SBd).
          * Trích đúng: “…mây mù lạnh lẽo…” (dg 28 – tr 181 – Nv9-T1).
          - “anh là một trong những người cô độc nhất thế gian” (dg – tr 49 – SBd).
          * Trích đúng: “…một trong những người cô độc nhất thế gian.” (dg 18 – tr 181 – Nv9-T1).
          - “mình sinh ra là gì?” (dg 1 – tr 50 – SBd).
          * Trích đúng: “mình sinh ra là gì,…” (dg 7 – tr 185 – Nv9-T1).
          - “Ba đây con! Ba đây con!” (dg 4 – tr 53 – SBd).
          * Trích đúng: “- Ba đây con!
                                 - Ba đây con!” (2 dg cuối – tr 145 – Nv9-T1).
          - “…đêm đêm, ông đưa nó ra ngắm nghía và mong ngày gặp con để trao cho con chiếc lược ngà” (dg 28,29 – tr 53 – SBd).
          * Trích đúng: “Những đêm nhớ con,…anh lấy cây lược ra ngắm nghía…” “Có cây lược, anh càng mong gặp lại con.” (dg 13 đến 16 – tr 200 – Nv9-T1).
          - “Tình cha con là không thể chết.” (dg cuối – tr 53 – SBd).
          * Trích đúng: “…hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được.” (dg 19,20 – tr 200 – Nv9-T1).
          - “Bác rực rỡ một mặt trời cách mạng.” (dg 31, 32 – tr 58 – SBd).
          * Trích đúng: “Người rực rỡ một mặt trời cách mạng” (dg 15 – tr 204 – Tố Hữu Toàn tập – Tập 1 – Nxb Văn học – 2009).
          - “ngôi nhà hoang vắng, xơ xác, mấy cọng tranh phất phơ trước gió, hiu quạnh.” (dg 11,12 – tr 72 – SBd).
          * Trích đúng: “Trên mái ngói, mấy cọng tranh khô phất phơ trước gió, đủ rõ nhà không đổi chủ không được. Những gia đình khác có lẽ đã dọn đi rồi, cho nên cảnh tượng càng hiu quạnh.” (dg 10 đến 14 – tr 208 – Nv9-T1).
          - “…làm sao rời mẹ mà đi được?” (dg 34 – tr75 – SBd).
          * Trích đúng: “…làm sao có thể rời mẹ mà đi được (dg 7 – tr 86 – Nv9-T2).
          - “Một năm bắt đầu từ mùa xuân. Một đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội.” (Dg 13,14 – tr 101 – SBd).
          * Trích đúng: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội.”
          - “Ôi! Tổ quốc giang sơn hùng vĩ
               Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi.” (dg 20,21 – tr 112 – SBd).
          * Trích đúng: “Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ
                                 Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi!” (dg 13,14 – tr 337 – Tố Hữu Toàn tập – Tập 1 – Nxb Văn học – 2009).
 
          I.2. Lỗi chính tả:
          2.a. Danh từ riêng không viết hoa:
          - “…tiếng việt” (dg 1 – tr 118 – SBd).
          2.b. Chữ đầu những câu thơ, câu văn được trích không viết hoa:
          - “ngắn dài có số…” (dg 23 – tr 8 – SBd).
          - “tình yêu nhớ ít tưởng nhiều” (dg 17,18 – tr 20 – SBd).
          - “Hình ảnh “đứng cạnh bên nhau”…” (dg 13 – tr 26 – SBd).
          - “bắt tay qua cửa kính vỡ rồi” (dg 23 – tr 30 – SBd).
          - “sóng đã cài then đêm sập cửa” (dg 34 – tr 32 – SBd).
          - “chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được”. (dg 2,3 – tr 46 – SBd).
          - “chết thì chết, có bao giờ đơn sai”. (dg 25 – tr46 – SBd).
          - “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (dg 13,14 – tr68 – SBd).
          - “người ta đi mãi thì thành đường thôi…” (dg 25 – tr73 – SBd).
 
          I.3. Sai kiến thức về từ:
          - SBd viết: “Nguyễn Du đã rất khéo léo trong việc sử dụng từ đa nghĩa, vừa gợi tả được vẻ đẹp ngoại hình lại vừa dự báo được số phận nhân vật” (dg 32 đến 34 – tr 13). Trong tiếng Việt làm gì có “từ đa nghĩa” nào “vừa gợi tả được vẻ đẹp ngoại hình lại vừa dự báo được số phận nhân vật”!
          - Ở khổ thơ 3 “Đoàn thuyền đánh cá”:
                   Thuyền ta lái gió với buồm trăng
                   Lướt giữa mây cao với biển bằng,
                   Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
                   Dàn đan thế trận lưới vây giăng. (dg 5 đến 8 – tr 140 – Nv9-T1).
          SBd chỉ ra “hàng loạt động từ mạnh:” “lướt, đậu, dò” (dg 20 – tr34).
          Ở Bài tập này, học sinh sẽ cười hỏi “dàn đan”, “vây giăng” không phải là ĐT à? Là ĐT thì không phải là động từ mạnh à? Thật đáng tiếc!
          - Phần nội dung từ mượn, SBd đưa ra hai nguồn mượn: tiếng Hán và tiếng phương Tây. Ví dụ về “Từ mượn tiếng Tây” quá nghèo, chỉ 2 ví dụ: AIDS, ma-két-tinh. Trong hai ví dụ đó, ai bảo “AIDS” là từ mượn như Hà Lê?
          - Về “Nghĩa của từ”, sau khi nêu: “Nghĩa của từ là nội dung mà từ biểu thị”. SBd không nêu: biểu thị sự vật, hoạt động, tính chất, quan hệ, thay thế, số lượng, cảm xúc…mà lại đưa ra 5 từ: tươi tốt, bão, sấm, gió, mưa để làm ví dụ. (Thực ra đây chỉ là những từ biểu thị sự vật thôi!). Thực tế sử dụng, từ thường chỉ có một nghĩa trong văn cảnh cụ thể. Ví dụ: từ “hay” SBd chỉ coi là tính từ (rất hay) nhưng “hay” vẫn là DT (những hay, những dở…); là ĐT (Tôi hay tin cô giáo bị mệt) và “hay” lại là quan hệ từ trong trường hợp “Em làm bài hay chơi đàn?”.
          - Ở ví dụ:     Mặt trời (1) của bắp thì nằm trên đồi,
                             Mặt trời (2) của mẹ, em nằm trên lưng” (dg 4,5 – tr 113), SBd cho “mặt trời” (2) là từ nhiều nghĩa. Quan điểm như vậy là sai. Từ này được dùng theo nghĩa chuyển nhưng chỉ là chuyển nghĩa lầm thời theo phương thức ẩn dụ và đương nhiên nó không có mặt trong Từ điển tiếng Việt!
          - SBd đưa VD về “Từ nhiều nghĩa”: “Mắt: mắt na, mắt dứa, mắt mía” thì “mắt” trong các VD này đều là nghĩa chuyển và mặt nào đó nghĩa đều giống nhau. Lẽ ra SBd phải nêu khái niệm về từ nhiều nghĩa; nêu nghĩa gốc của từ “mắt” và nêu VD về nghĩa chuyển đã dạng hơn như: mắt na, mắt lưới, mắt bão...
          - SBd cho rằng “từ xuân là chỉ một mùa xuân trong năm” (dg 4 - tr 115), thế một năm có mấy mùa xuân à?
          - Ở ví dụ 6:           “Buồn trông nội cỏ rầu rầu
                                      Chân mây mặt đất một màu xanh xanh” (dg 13,14 – tr 116), SBd cho từ “chân” chỉ phần cuối cùng của một đồ vật, tiếp giáp với “mặt nền” là một định nghĩa phi lý vì như thế “mây” là đồ vật có “chân” tiếp giáp với “mặt nền”?! “Chân” trong “chân mây” là điểm giới hạn tầm nhìn, nơi đó ta tưởng mây tiếp giáp với đất.
          - SBd xếp “rứa là”, “thế là” là từ (dg cuối – tr 116) thực ra hai đơn vì này là cụm.
          - Dòng 27, dòng 34, trang 119, SBd đều cho “vải dù” là 2 từ đơn. Thực ra “vải dù” là một từ ghép phân nghĩa như vải lụa, vải ka ki…Tiếc là SBd chưa phân biệt đúng từ đơn, từ ghép. Và có lẽ chưa hề biết khái niệm “vải dù” nên tưởng nhầm “vải” và “dù” là 2 khái niệm gọi hai sự vật trong khái niệm “vải dù” ở ví dụ này.
          - Ở Bài tập: “Tìm phần trung tâm của các cụm từ in đậm” trong câu: “Không, lời gửi của một Nguyễn Du, một Tônxtôi cho nhân loại phức tạp hơn, cũng phong phú và sâu sắc hơn”. SBd xác định được 2 trung tâm là “phức tạp” và “phong phú”. Còn cụm từ “sâu sắc hơn” với trung tâm của cụm là “sâu sắc”, SBd đã không xác định được. (2 dòng cuối – tr 121).
          - Trong Bài tập 1: “Chỉ ra các biện pháp tu từ” có trong 2 câu thơ:
                                                “Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
                                                 Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.” (dg 15,16 – tr124), SBd đã chỉ ra được biện pháp tu từ nhân hóa: “Thuyền im – bến mỏi – nằm”. Còn “trở về”; “nghe” cũng được nhân hóa, SBd đã không thấy!
          - Ở Bài tập 2: “Hãy thêm các từ cho sau đây vào trước những từ thích hợp với chúng trong ba cột bên dưới. Cho biết mỗi từ trong ba cột thuộc loại từ nào.
          (những, các, một, hãy, đã, vừa, rất, hơi, quá.)
          |……..| hay                         |……..| cái (lăng)                 |……..| đột ngột
          |……..| đọc                        |……..| phục dịch               |……..| ông giáo
          |……..| lần                          |……..| làng                        |……..| phải
          |……..| nghĩ ngợi                |……..| đập                         |……..| sung sướng
(dg 7 đến 13 – tr 120), SBd “gợi ý”:
          “rất hay (TT)                  một cái (lăng) (DT)          rất đột ngột (TT)
          đã đọc (ĐT)                             đã phục dịch (ĐT)          những ông giáo (DT)
          một lần (DT)                   các làng (DT)                  rất phải (TT)
          vừa nghĩ ngợi (ĐT)         vừa đập (ĐT)                  quá sung sướng (TT)
(dg 14 đến 18 – tr 120).
          Đây là dạng bài tập điền từ thích hợp vào ô trống với mục đích xác định từ loại tiếng Việt. Ở bậc Tiểu học, học sinh cuối cấp đã quen thuộc, các em có thể điền được nhiều kết hợp đúng. Theo đó, số DT, ĐT, TT cũng nhiều sơn SBd rất nhiều:
          Ví dụ 1: Theo SBd “hay” (TT) đi được với “rất” (rất hay). Nhưng “hay” vẫn có thể là ĐT, là DT và kết hợp được với “hãy”, “đã” hoặc “những” (Cụ thể: Câu cứ đi đến đó sẽ hay. Tôi đã hay tin Tý ốm. Hoặc: Những hay những dở những ngọt những bùi tôi đã trải đủ.)
          Ví dụ 2: Theo SBd “lần” (DT) vì kết hợp được với “hãy” “đã” đứng trước (Cậu hãy (đã) lần theo dấu vết…). Trong ví dụ này “lần” không thể là danh từ.
          Ví dụ 3: “Ông giáo” không chỉ là DT như SBd đã khẳng định (“ông giáo” kết hợp được với “những”). Nếu: “Trông cậu rất ông giáo” thì từ “ông giáo” là từ loại gì? v.v.
          Đối với phần nhiều các từ đã cho có rất nhiều kết hợp để từ đó không chỉ là DT, ĐT, TT mà có thể trở thành từ loại khác.
          Bài tập này cho thấy kiến thức về từ loại của SBd quá mỏng, quá nông, quá hời hợt lại viết không chặt chẽ. Hay người viết chỉ viết cho có trang để kinh doanh?
          Tiếng Việt của ta giàu và đẹp. Có được điều đó nhờ sự kết hợp phong phú giữa tiếng với tiếng, tiếng với từ, từ với từ…để tạo nên nhiều từ ngữ mới. Cùng một từ đó, trong ngữ cảnh này là danh từ, ngữ cảnh kia là động từ, ngữ cảnh khác lại là tính từ như đã bàn ở trên chứ không hẹp và nghèo nàn như SBd đã bàn.
          Thay vì qua ôn tập để củng cố bổ sung làm giàu thêm tiếng mẹ đẻ cho học sinh để các em có một vốn ngôn từ phong phú, biểu đạt được tư tưởng, tình cảm, ý nghĩ của mình, để các em yêu thêm tiếng nói cha ông, tự hào về dân tộc về đất nước thì những “gợi ý” của SBd chỉ làm nghèo đi vốn tiếng Việt của học sinh, thật không biết nên vui hay nên buồn?
 
          I.4. Lỗi câu:
          4.a. Câu sai cấu trúc ngữ pháp:
          - Câu thiếu chủ ngữ: “Trên cả tài năng là tấm lòng của một người con đã trải qua quá nhiều nỗi đau, nỗi mất mát nên thấm thía sâu sắc, lớn lao tình mẫu tử cũng như tấm lòng yêu thương, nâng niu con trẻ hết lòng.” (dg 15 đến 17, tr 77 – SBd).
          - Câu thiếu chủ vị: “Như những đứa trẻ khác lớn lên trong cuộc chiến, những người cha thân yêu phải ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bỏ lại gia đình, quê hương yêu dấu, sống trong sự thiếu vắng tình cha.” (dg 30 đến 32 – tr 97 – SBd).
          4.b. Nhầm thành ngữ là câu:
          Câu 1.d (Đề số 6): “Câu “Bão táp mưa sa…” thuộc kiểu câu nào? (Dg 12 – tr 140 – SBd). “Bão táp mưa sa…” chẳng “thuộc kiểu câu nào” cả. Vì:
          + Đây chỉ là một thành ngữ.
          + Nếu có điền vào dấu 3 chấm các từ “đứng thẳng hàng” thì cũng chỉ mới là một dòng thơ, khép lại khổ thơ vắt dòng (gồm 4 dòng thơ):
                   “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
                   Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
                   Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
                   Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.” (Dg 14 đến 17 – tr 58 – Nv9-T2).
          + Cả người ra đề, cả người dẫn đều không nắm được kiến thức về câu thơ vắt dòng nên đã chọt một thành ngữ để hỏi học sinh “thuộc kiểu câu nào?” thì thật nực cười!
          4.c. Nhầm lẫn câu với cụm từ:
          - Tác giả cho: “Một bông hoa tím biếc.” (dg 24 – tr 120). “Một chàng dế thanh niên cường tráng.” (dg 30- tr 120) là “cụm danh từ”; “Xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh.” (dg 35 – tr 120); “Chưa tìm được ngay câu trả lời.” (dg 5 – tr 121) là “cụm động từ”. Cả 4 ví dụ này đều là câu đặc biệt chứ không phải là cụm từ.
          Thậm chí câu: “Chưa tìm được câu trả lời.”, có người cho là câu đơn cũng không sai. Câu này là câu đơn khi “Chưa” là tên một người (danh từ riêng được viết hoa). “Chưa” là chủ ngữ, phần còn lại là vị ngữ.
          Chỉ khi viết: “Một bông hoa tím biếc,…”; “một bông hoa tím biếc”;…mới là cụm danh từ. Chỉ khi viết: “Xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh,…”; “xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh”… mới là cụm động từ.
          4.d. Nhầm câu với thành phần câu:
          - SBd cho: “Trời ơi!” trong: “Trời ơi! Chỉ còn năm phút.” (dg 10 – tr 127) là “thành phần cảm thán”.
          - “Này!” trong: “Này! Ông giáo ạ!” (dg cuối – tr 127) là “thành phần biệt lập” (tình thái) .
          “Trời ơi”; “Này!” đều là câu đặc biệt. (Trong khi “ạ” là thành phần tình thái thì SBd lại bỏ mất!).
          - SBd (dg 10 – tr 140 – SBd) có nêu câu hỏi: “Từ “Ôi!” trong đoạn thơ trên thuộc thành phần nào?”. Câu trả lời là người ra đề đã nhầm. “Ôi!” là câu đặc biệt chứ không phải là từ, cũng chẳng phải là thành phần câu!
         
          I.5. Phần kiến thức về văn bản có nhiều chỗ sai:
          5.a. Nhầm lẫn tác giả với nhân vật, tên tác giả với người khác:
          - Nhầm lẫn tác giả Lỗ Tấn chính là nhân vật “tôi” trong truyện ngắn “Cố hương” của Lỗ Tấn: “Gặp lại những người thân, hàng xóm, đặc biệt là Nhuận Thổ – bạn “tôi”, lòng Lỗ Tấn tràn ngập nỗi đau đớn và thất vọng về quê hương.” (dg 2,3 – tr 73 – SBd).
          - Trích 2 câu thơ trong bài “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh:
                   “Vẫn còn bao nhiêu nắng
                   Đã vơi dần cơn mưa” (dg 10,11 – tr 121), tác giả SBd lại nhầm là của “Hữu Tỉnh”.
          5.b. Nêu xuất xứ của một số văn bản được đưa vào SBd hoặc quá sơ sài hoặc thiếu chính xác:
          - SBd nêu “Hoàn cảnh sáng tác” của bài thơ “Thăm lúa” (Trần Hữu Thung) bằng lời cụt ngủn: “Viết năm 1950.” (dg 22 – tr 88).
          - SBd nêu “Xuất xứ” của văn bản: “Nghệ An trong lòng Tổ quốc Việt Nam” là: “bài diễn văn khai mạc Năm du lịch Nghệ An 2005 và kỷ niệm 975 năm danh xưng Nghệ An do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Thế Trung đọc” (dg 8 đến 10 – tr 89) là không chính xác. Văn bản Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Thế Trung đọc là: “Diễn văn khai mạc năm du lịch Nghệ An 2005 và kỷ niệm 975 năm danh xưng Nghệ An.”
          “Nghệ An trong lòng Tổ quốc Việt Nam” là nhan đề văn bản được in trong cuốn “Ngữ văn Nghệ An…” (Nhà in Nghệ An 2009). Văn bản chỉnh sửa này đã cắt bỏ một số câu so với nguyên bản và có quá nhiều chỗ sai: nhiều danh từ riêng không được viết hoa; nhiều chữ đầu dòng (trong văn bản trích) không được viết hoa; kết thúc văn bản không có dấu chấm. Đặc biệt sai cả kiến thức văn học sử về tác giả (cho vua Lê Thánh Tông sinh năm 1400).
          5.c. SBd đưa ra một số chi tiết vốn không có trong văn bản để tán bình:
          - Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, tác giả Nguyễn Dữ không hề miêu tả “về vẻ đẹp ngoại hình” của nhân vật Vũ Nương mà chỉ nêu nhận xét khái quát “tư dung tốt đẹp” (dg 20 – tr 43 – Nv9-T1). Trong khi đó, tác giả Hà Lê lại viết: “Nguyễn Dữ không miêu tả nhiều về vẻ đẹp ngoại hình của Vũ Nương”…, “Vũ Nương hiện ra…với vẻ đẹp cân đối, hài hòa của người con gái đang độ tươi tắn nhất” (dg 30-34 – tr 7 – SBd).
          - Cũng trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, tác giả bình chi tiết Vũ Nương đặt tên con: “…nàng sinh con trai đặt tên là Đản. Đó là cái tên có ý nghĩa vui mừng, tốt đẹp.” (dg 7,8 – tr 8). Không rõ tác giả lấy cơ sở nào để suy diễn cái tên Đản “có ý nghĩa vui mừng, tốt đẹp”!. Tra từ “đản” (Hán Việt từ điển – Thiều Chửu – Nxb Văn hóa Thông tin 2002), tôi thấy có 9 ký tự “đản” với 9 nghĩa khác nhau nhưng không thấy “đản” nào “có ý nghĩa vui mừng, tốt đẹp”!
          - Trong “Cố hương”, Lỗ Tấn viết: Những gia đình khác có lẽ đã dọn đi rồi, cho nên cảnh tượng càng hiu quạnh” (dg 12 đến 14 – tr 208 – Nv9-T1). Thành phần tình thái “có lẽ” cho thấy phán đoán của nhà văn với độ tin cậy chưa chắc chắn. Chi tiết này của truyện, qua thẩm bình của Hà Lê đã khác hẳn: “Nhà cửa hai mươi năm trở về trước đông vui, ấm áp nay đã dọn đi hết cả, làm cho cảnh làng lại càng đìu hiu, vắng vẻ.” (dg 14 đến 16 – tr 72).
          - Hà Lê đưa ra nhận xét: “Kiều ở lầu Ngưng Bích là đoạn trích tiêu biểu trong kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.” (dg 26, 27 – tr 22). “Nguyễn Thành Long là cây bút văn xuôi xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại…” (dg 34, 35 – tr 47) v.v… Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đâu phải chỉ có “Kiều ở lầu Ngưng Bích là đoạn trích tiêu biểu”? Những “cây bút văn xuôi xuất sắc của nền Văn học Việt Nam hiện đại” đâu phải chỉ có Nguyễn Thành Long?
         
          I.6. Hiểu văn bản không đúng:
          - SBd cho chi tiết “cái bóng” “tạo nên mâu thuẫn trong nhân vật Trương Sinh và “là nguyên nhân trực tiếp gây ra nỗi oan khiên tày trời…” (dg 20 và 22 – tr 6) thì thật khó để chấp nhận. “Cái bóng” “tạo nên mâu thuẫn” gì trong Trương Sinh vậy? “Nguyên nhân trực tiếp gây ra nỗi oan khiên tày trời” cho Vũ Nương chính là sự ghen tuông đến bệnh hoạn và sự vô học của Trương Sinh; là chế độ phong kiến thối nát đề cao nam quyền, chà đạp người phụ nữ lương thiện dồn họ đến cái chết… chứ sao lại là “cái bóng”?
          “Cái bóng” chỉ là một chi tiết nghệ thuật, “mắt xích” có tác dụng thúc đẩy truyện (thắt nút, mở nút)!
          - Tác giả Hà Lê đã thẩm bình câu thơ: “Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” (Trích “Cảnh ngày xuân” – Truyện Kiều): “Bằng cách kết vào từ “trắng” cũng như sử dụng cách ngắt nhịp 3/1/4, nhà thơ đã khéo léo nhấn mạnh vào từ “điểm” làm người đọc hình dung rõ nét về hình ảnh bông hoa lê bắt đầu hé nở.” (dg 20 đến 22 – tr 16).
          Đã: “Cành lê trắng” (nhịp 3) tức là cành lê đã nở trắng còn “điểm” cái gì nữa (nhịp 1)? Và cũng đâu còn “một vài bông hoa” “bắt đầu hé nở” nữa?!
          - Trong “Vị trí đoạn trích” “Kiều ở lầu Ngưng Bích” (Truyện Kiều), tác giả Hà Lê viết: “Sau khi bị Mã Giám Sinh lừa gạt, làm nhục, bị Tú Bà mắng nhiếc, Kiều quyết không chịu tiếp khách làng chơi. Đau đớn, tủi nhục nàng định tự vẫn. Tú Bà sợ mất vốn bèn khuyên giải dụ dỗ Kiều. Mụ vờ chăm sóc thuốc men, hẹn khi bình phục sẽ gả cho người tử tế. (dg 25 đến 28 – tr 18). Riêng phần này bộc lộ 3 cái sai:
+ Nói “Kiều không chịu tiếp khách làng chơi” là sai. Sau “một tháng tròn” Mã Giám Sinh và Thúy Kiều về đến Lâm Tri (nơi có lầu xanh của Tú Bà). Tú Bà bắt Kiều vào lễ “hương hỏa gia đường” ngay. Biết Kiều đã “cam bề tiểu tinh” (cam làm vợ lẽ), “Đã khi chung chạ lại khi đứng ngồi” với chồng mình, Tú Bà mắng nhiếc, rút roi da định xông vào đập Kiều. Kiều thấy nhục nhã, đau đớn liền quyên sinh. Đã ai bắt, ai ép Kiều “tiếp khách” đâu mà bảo nàng “từ chối”?
+ Nói “nàng định tự vẫn” cũng sai. Kiều đã tự vẫn:
    … “Sẵn dao tay áo tức thì giở ra.
                   Sợ gan nát ngọc liều hoa,
          Mụ còn trông mặt nàng đà quá tay.
                   Thương ôi tài sắc bực này,
          Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần.
                   Nỗi oan vỡ lỡ xa gần,
          Trong nhà người chật một lần như nen.
                   Nàng thì bằn bặt giấc tiên,”… (Câu 982 đến 989 – Truyện Kiều).
+ Nói Tú Bà “vờ chăm sóc thuốc men” cho Kiều lại cũng sai nốt. Trước hành động tự tử của Kiều (diễn ra rất nhanh), Tú Bà sợ run cầm cập, hồn bay phách lạc, nâng đỡ, dìu Kiều “vào chốn hiên tây”, cắt cử người “coi sóc”, rước mời thầy “thuốc men” cho Kiều. Rồi chính mụ “chực sẵn bên màn”, “Lựa lời khuyên giải”, an ủi nàng:
          “Mụ thì cầm cập mặt nhìn hồn bay.
                   Vực nàng vào chốn hiên tây,
          Cắt người coi sóc rước thầy thuốc men.” (Câu 990 đến 992 – Truyện Kiều).
và:               “Tú Bà chực sẵn bên màn,
          Lựa lời khuyên giải mơn man gỡ dần.” (Câu 1003, 1004 – Truyện Kiều).
Tú Bà sợ Kiều chết mụ không thể không liên lụy. Quan trọng hơn, Kiều chết thì “vốn liếng” bỏ ra mua nàng của gia đình mụ sẽ “đi đời nhà ma”. Đó là lý do Tú Bà sợ và thực lòng chăm sóc thuốc thang cho Kiều.
 
         II. Kết bài và đôi kiến nghị:
        Chúng tôi không được biết tác giả SBd, Hà Lê và người chịu trách nhiệm “Biên tập nội dung” sách, Nguyễn Ngọc Hà là ai? Nhưng phán đoán rất có cơ sở của chúng tôi, đây phải là “bậc thầy” của các thầy. Họ hẳn phải có học vị, thậm chí có địa vị trong giáo dục. Cứ xem việc SBd qua mặt bao tầng kiểm soát: Nxb Đại học Sư phạm, Công ty CP Sách và Thiết bị trường học, Sở GD và ĐT, các phòng GD và ĐT để ào về, bán rộng rãi cho học sinh lớp 9 trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An với giá cao vời cho thấy rõ điều đó.
        Cuốn sách “Bồi dưỡng và luyện thi…” của Hà Lê thiếu cân đối trầm trọng. Trong khi phần văn bản ở các lớp 6,7,8 vắng bóng, lớp 9 cũng bị cắt bỏ 8 văn bản thì phần Tiếng Việt và phần Tập làm văn gần như được điểm mặt xuyên suốt từ lớp 6 đến lớp 9. Điều dễ nhận thấy, chép lại kiến thức từ sách Ngữ văn sang SBd ngon ăn hơn đụng đến văn bản vì phải động não!?
SBd cho thấy sự nghèo nàn về kiến thức của tác giả. Câu này: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống, đời người chỉ sống có một lần, sống sao cho khỏi phải xót xa, ân hận, cho khỏi phải hổ thẹn vì những năm tháng sống hoài, sống phí…” (dg 37 đến 39 – tr 102), Hà Lê đã đạo văn của Nikolai A.Ostrovsky, tác giả “Thép đã tôi thế đấy” rồi! Tệ hại hơn Hà Lê đạo văn mà không hiểu gì về văn đã “đạo”. Thì đây, câu: “…với con mắt trông thấy sáu cõi, với tấm lòng nghĩ thấu muôn đời, Nguyễn Du đã đồng cảm đến lạ lùng với nàng Kiều…” (dg 14,15 – tr 22 – SBd), Hà Lê đã đạo từ lời đánh giá nổi tiếng của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân về Nguyễn Du và Truyện Kiều từ thời vua Minh Mạng: “Tố Như từ dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tầm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có được cái bút lực ấy”. Đáng buồn là do không hiểu được ý câu nói của Mộng Liên Đường “…con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” nên Hà Lê đã chép thành “…con mắt trông thấy sáu cõi,…tấm lòng nghĩ thấu muôn đời”. “Trông thấu” hoàn toàn khác “trông thấy”. “Trông thấu” là nhìn thấu tỏ mọi sự, phải nhìn bằng trí tuệ và con tim. “Trông thấy” đơn giản là nhìn bằng mắt. “Nghĩ suốt” khác với “nghĩ thấu” (“suốt” chỉ thời gian không ngừng nghỉ, “thấu” là tỏ tường). Nguyễn Du có phải thần thánh đâu mà “trông thấy sáu cõi” (cõi Trời, cõi Người, cõi A Tu La, cõi Địa ngục, cõi Súc sinh, cõi Ngạ Quỷ) và “nghĩ thấu muôn đời”!
Nghèo, bí kiến thức tới mức nhiều chỗ trong SBd, tác giả Hà Lê phải đồ lại những câu chữ trước đó mình đã viết. Xin được dẫn: dòng 21, 22, trang 33 tác giả viết: “Đoàn thuyền đánh cá là một trong những bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận sau Cách Mạng tháng Tám”. Dòng 31, 32, trang 33 chép lại. Dòng 2,3, trang 35 cũng…lại chép lại! Ở dòng từ 34 đến 36, trang 37, tác giả viết: “Bằng Việt thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thơ ông thường trong trẻo, mượt mà, thiên về khai thác những kỷ niệm, ước mơ tuổi trẻ. Bếp lửa là bài thơ tiêu biểu cho mạch cảm xúc ấy.” Đến trang 39, dòng 2 đến 4, Hà Lê lại bê cả mảng không sót một chữ, một cái dấu ráp vào. Dòng 10,11, trang 45, Hà Lê viết: “Làng là truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Kim Lân viết về lòng yêu làng, yêu nước của người nông dân trong buổi đầu kháng chiến.” Sang trang 46, dòng 37, 38 tác giả lại sắp y nguyên câu chữ này vào SBd!
        Chưa nói đến những kiến thức sai từ thẩm bình văn bản, chỉ riêng nói những kiến thức sơ đẳng về từ, cụm từ, đoạn văn, thành phần câu, câu, tác giả SBd nhiều chỗ cũng lẫn lộn. Tác giả còn mắc cả những lỗi ấu trĩ, đưa văn bản Sách giáo khoa hay văn bản khác để đồ trích lại mà cũng sai. Có khi trích 4 câu thơ vốn quá nổi tiếng của nhà thơ Bùi Minh Quốc thì sai cả 4, ngu ngơ biến “Đất nước” thành “Đất”; “Đồng đội cũ” đổi ra “Bạn bè cũ”; “có những người rẽ ngoặt’ thành… “những anh rẽ ngoặt”; “màu máu đỏ chiến hào” bỗng hóa ra… “màu áo đỏ chiến hào”!? v.v.
        Một cuốn sách “Bồi dưỡng và Luyện thi…” khó để chấp nhận như thế, được quảng cáo rất kêu: “Hi vọng cuốn sách sẽ đáp ứng được mong muốn của các em học sinh và là một tài liệu ôn thi thực sự có ích.” (“Lời nói đầu” – dg 21,22 – tr 3 – SBd), được Nxb danh tiếng của Ngành GD và ĐT cho xuất bản, ngang nhiên được bán rộng rãi cho học sinh, quả hết chỗ nói!
       Tháng 4 năm 2013, cuốn sách: “Bồi dưỡng và luyện thi vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn” (Nxb Đại học Sư phạm 2013) của Đỗ Thị Liên bán cho học sinh lớp 9 THCS tỉnh Nghệ An đã gây bất bình trong dư luận. Báo Lao Động Nghệ An sô ra ngày 9/5/2013 và Chuyên San KHXH và NV Nghệ An số 5/2013 đều có bài đăng về sự việc này. Báo Lao động Nghệ An đã thẳng thắn nhận xét: “Cuốn sách “Bồi dưỡng và Luyện thi vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn” (của tác giả Đỗ Thị Liên) gây thất vọng đến mức mà nhiều giáo viên nói: không nhất thiết có cuốn sách như vậy, chỉ làm tốn kém cho học sinh…”. Giáo viên và học sinh không hài lòng bởi sách bà Liên đã ăn cắp bản quyền của TS. Nguyễn Đức Khương và ThS. Nguyễn Lan Anh – tác giả sách: “Bồi dưỡng học sinh vào lớp 10 THPT năm học 2012-2013 môn Ngữ văn” (Nxb Đại học Sư phạm 2012). Thêm vào đó, cuốn sách này có quá nhiều sai sót về kiến thức. Thậm chí SBd còn đưa vào nhiều kiến thức Bộ GD và ĐT đã giảm tải.
       Trả lời công dân có Đơn Tố cáo bà Liên và một số người có sai phạm liên quan đến sách của bà và Báo cáo lên Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An…, Giám đốc Sở GD và ĐT Nghệ An Lê Văn Ngọ cho biết: đầu tháng 4 năm 2013, Sở đã có thông báo gửi đến các Phòng GD và ĐT với nội dung: năm học 2012-2013 Sở GD và ĐT Nghệ An không chủ trương biên soạn sách Bồi dưỡng. Theo Báo Lao động Nghệ An: “Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Nghệ An (thông qua các phòng GD và ĐT) gửi công văn cho các trường học đặt số lượng trước, sách chuyển về sau. Năm học 2013-2014, công văn gửi đầu tháng 3, đến ngày 20/4 sách mới chuyển về.” Điều này cho thấy thông báo của Sở quá muộn màng, chỉ để minh chứng “có thông báo”! Và dù thông báo có về đến các Phòng, các nhà trường thì sách vẫn cứ được trao bán. Thông báo của Giám đốc Sở GD và ĐT Nghệ An đã bị cấp dưới vô hiệu hóa!
        Những tưởng sau vụ tai tiếng từ sách của bà Đỗ Thị Liên, Sở GD và ĐT Nghệ An sẽ siết chặt kỷ cương, cho rút kinh nghiệm và đưa ra những chỉ đạo đúng đắn về chuyên môn, tránh giẫm lại “vết xe đổ” nhưng cứ ngẫm SBd (2014) của Hà Lê đạo văn như ai; mức độ sai kiến thức còn trầm trọng hơn sách “Bồi dưỡng và Luyện thi…” (2013) của bà Liên cứ được tiếp tay tiêu thụ thì thật đáng buồn biết bao !
        Sách có những sai phạm của các tác giả Đỗ Thị Liên, Hà Lê, họ trước hết phải là người chịu trách nhiệm. Nxb Đại học Sư phạm chịu trách nhiệm về lỗi biên tập yếu kém, tắc trách; về lỗi cấp phép sai cho sách không đủ điều kiện xuất bản. Tuy nhiên trên cương vị quản lý, Sở GD và ĐT, các phòng GD và ĐT tỉnh Nghệ An chẳng lẽ cứ mãi vô sự?!
Để xiết chặt kỷ cương còn lỏng lẻo về quản lý sách ngoài luồng, tránh cho học sinh phải bỏ tiền mua sách dởm, nên chăng Nhà nước cần có quy định:
       1. Người nào viết sách (hoặc tư liệu tham khảo) có nhiều sai sót về kiến thức bán cho học sinh phải bị xử lý trước pháp luật.
       2. Sở GD và ĐT, Phòng GD và ĐT, Trường học nào để cho những kẻ cơ hội đưa sách (hoặc tài liệu) có nhiều sai phạm (sai kiến thức cơ bản, phản giáo dục) bán công khai cho học sinh trong diện quản lý của mình sẽ bị xử lý kỷ luật.
       3. Những người phụ trách chuyên môn (chuyên viên: cốt cán bộ môn) của Sở GD và ĐT, các phòng GD và ĐT có trách nhiệm:
- Phải luôn cập nhật thông tin để có thông báo kịp thời đến học sinh những loại sách; tạp chí; chuyên san; báo… hỗ trợ tốt cho việc học tập và nói không với những sách, tài liệu ngoài luồng nào có hại cho các em.
- Biên soạn Tài liệu ôn tập (gồm những kiến thức cơ bản; phương pháp ôn tập; kỹ năng làm bài…) cho học sinh, nhất là học sinh cuối cấp. Không được thu tiền của học sinh vì đây thuộc về trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn.
       4. Hành vi sao chép từ sách giáo khoa sang sách (hoặc tài liệu) của mình để bán cho người đọc, người học là ăn cắp tài sản của Nhà nước (Sách giáo khoa do Nhà nước đầu tư tiền bạc, thuộc quyền sở hữu của Nhà nước) cần được nghiêm trị.

(Bài viết đã được đăng trên Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An – Số tháng 9 năm 2014. Đăng tiếp theo đề nghị của tác giả)

Tác giả bài viết: Lê Đức Thôn – Hưu trí – TP. Vinh

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 54 trong 14 đánh giá

Xếp hạng: 3.9 - 14 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  THĂM DÒ Ý KIẾN

Cảm nhận, đánh giá chung của bạn về giao diện website phiên bản mới?

 NỔI BẬT TRONG THÁNG

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập68
  • Hôm nay2,225
  • Tháng hiện tại537,084
  • Tổng lượt truy cập24,192,813

  DỊCH VỤ QUAN TÂM

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây